
Tà Xùa, chuyến đi tìm lại cảm giác
Quá lâu không đi đâu, rủ rê một cô bạn đi Tà Xùa (Sơn La), và quyết rằng, dù chỉ có hai người cũng đi. Nào ngờ, chuyến đi lên tới năm người có cùng quyết tâm: Bão cũng đi.
Nỗi buồn Bắc Yên
Muốn đi Tà Xùa, phải đi qua Phù Yên, Bắc Yên. Thị trấn Bắc Yên bao giờ cũng để lại cho tôi một nỗi buồn. Thuở còn là một cô bé mới biết nghiện mùi “khoác ba lô lên và đi”, tình cờ duyên thế nào khiến tôi gặp một chị vốn làm ở đài Phát thanh Bắc Yên – Sơn La tên là Mỳ. Nhà chị mở một hiệu ảnh, chụp cho dân quanh thị xã. Người Mông cuối tuần thường xuống hiệu ảnh của chị để chụp ảnh, ăn kem, nên nhà chị lưu giữ khá nhiều tư liệu về người Mông ở Sơn La từ 20 năm nay.
Béo tốt, tính tình xởi lởi, sống tử tế, thế mà cuộc sống chẳng để chị yên. Trục trặc gia đình khiến chị trở thành một người đàn bà ưu phiền, buồn bã và đầy hoài nghi. Quyết định ly hôn, chị tìm tới cửa Thiền để tu tâm tịnh dưỡng. Chỉ khi đã biết buông bỏ thì những lằng nhằng về chia tài sản, ai nuôi con nhỏ… mới xong.
Một đêm, chị gọi điện cho tôi, kể chuyện chị đã tìm được vị thầy giỏi khiến chị cảm phục hoàn toàn. Đó là sư bà Hải Triều Âm ở chùa Dược sư tại Lâm Đồng. Người đàn bà bôn ba tứ xứ giờ đây như tìm được bến đỗ, bến Chân Như. Chị ở lại chùa tu tập một thời gian, thu âm các bài giảng của sư bà, gửi về Hà Nội cho tôi được nghe cùng. Chẳng được bao lâu thì chị Mỳ phát hiện ra mình bị ung thư vú. Chị có xạ trị một thời gian rồi bỏ, không chữa chạy theo Tây y, mà chỉ dùng thuốc Đông y, và niệm Phật. Một sư nữ trụ trì ngôi chùa ở Thái Bình vì cảm mến đã cho chị tá túc nương nhờ cửa Phật cho tới giây phút cuối cùng. Chị mất trong vòng tay của anh chị em Phật tử và các thầy về hộ niệm. Thôi thì sống không bình an, nhưng chết, đã bình an…
Bao năm rồi, tôi mới quay trở lại cái thị trấn bé nhỏ ấy. Qua nhà chị Mỳ, giờ cửa hàng do cháu chị kinh doanh sim thẻ điện thoại, vẫn còn biển hiệu Hiệu ảnh Trịnh Mỳ. Không biết những ai từng qua lại nhà chị, liệu có còn nhớ tới chị?
Bình minh trên sống lưng khủng long
Đi qua Bắc Yên có nhà chị Mỳ, chúng tôi đã tới được Tà Xùa. Đón bình minh, và săn mây. Năm giờ sáng, lướt qua một biển mây, xe đã vụt qua và người muốn quay lại, nhưng lại quyết định đi thẳng. Thế là tuột mất biển mây ấy. Và trời lại lây rây mưa. Tới đây thì thấm câu: “Sống trong từng khoảnh khắc”. Cái đẹp hiện hữu chỉ trong khoảnh khắc.
Tà Xùa có lưng núi đẹp tuyệt được mệnh danh là sống lưng khủng long.
Trên đỉnh sống lưng khủng long, có gia đình một anh người Mông, 8x, nhưng đã có tới 6 con. Người Kinh thường tìm đến nhà anh vì chính chỗ đó là điểm đẹp nhất để nhìn ngắm cái sống lưng khủng long kia. Thế là gần hai năm nay, chàng có thêm nghề mới ngoài nghề làm ruộng, lên nương, là nấu mỳ tôm, nướng thịt xiên, nấu nước pha trà phục vụ khách du lịch.
Con đường nhỏ xiên và dốc, cảm giác lâng lâng khi đi trong mây, trong sương. Gió và nắng táp qua, chỉ trong thoáng chốc, thời tiết đủ 4 mùa ập vào mặt. Mây vờn lảng vảng, há miệng ra là hớp được mây. Nằm trên sống lưng khủng long đầu óc trong veo, chỉ thấy tràn ngập một cảnh giới của hạnh phúc, sảng khoái và sung sướng. Lại sống trọn từng phút giây!
Đêm trong thung lũng hoa trắng
Đêm thứ hai. Chúng tôi định tìm tới một bản nghèo nhất ở Tà Xùa. Nhưng tình cờ thay, khi trong một quán ăn, thấy một anh chàng người Mông ngồi một mình, anh bạn nhiếp ảnh của tôi giơ điện thoại ra hỏi: “Mày có biết người này không?”- Đó là bức ảnh anh chụp ở nơi này hai bà cháu người Mông 20 năm trước. Anh người Mông trố mắt: “Bà nội tao đấy! Còn đây là tao!”. Chúng tôi chẳng ai không bất ngờ. Thật kì duyên! Và bằng mọi cách, anh người Mông (giờ đã biết tên là A Páo) đã mời chúng tôi về bản của anh. đúng cái bản mà chúng tôi vừa đi qua, đầy hoa trắng không biết tên, nên tôi gọi là bản Hoa trắng. Nhưng A Páo là cán bộ, phải đi họp, hẹn tối nay sẽ mời rượu nhau.
Chúng tôi quay lại bản, tìm đến nhà A Páo nằm lọt thỏm giữa thung lũng. Con đường tới đó không gần và dễ đi như chúng tôi tưởng, nhất là trời vừa mưa đường trơn lầy lội. Bù lại, hàng cây hoa trắng ven đường khiến bất kỳ ai cũng thành kẻ mộng mơ.
A Páo về, cười hiền và gật đầu khi bọn lạ chúng tôi xin ngủ lại và xin mua một con gà để nấu mỳ tôm. Bữa tối trong thung lũng mù sương ấy, có củi lửa ấm áp, gà luộc, mỳ tôm nấu và bí đỏ luộc. Chúng tôi cắm lều ngủ ngoài trời, để thử cảm giác giữa rừng giữa núi. Thế mà chẳng hiểu sao, còn ngủ ngon hơn đêm ở Ngỗng Tà Xùa…
Buổi sáng bị phá giấc bởi tiếng đài vang lên, con gái của Páo mở. Bài hát về tình yêu. Tôi nhớ là vậy, bởi câu tiếng Mông “Em yêu anh” đêm qua nhờ cháu dậy cho…
Nằm nghe tiếng lục đục trong nhà, tiếng vợ Páo gọi con, chuẩn bị lợn gà cám bã. Rồi chúng tôi cũng hỳ hụi đun nước pha trà, nấu mỳ. Một buổi sáng trễ nải, ngồi cầm cốc trà ám mùi khói, ăn mỳ trong sương mù bỗng thấy lòng thanh thản lạ lùng…
Ba ngày hai đêm ở Tà Xùa dứt được nhiều gánh nặng vô hình, như được sống ở Đào nguyên. Nhưng, cuộc đời là vòng tròn quẩn quanh với cơm áo gạo tiền.
Biết bao giờ mình buông được?
Codet Hanoi