
Tăng học phí là chuyện người lớn
Câu chuyện tăng học phí đình đám ở Vinschool tháng trước giờ đã lắng xuống. Những đứa trẻ phải chuyển trường có lẽ đã yên ổn học hành nơi khác. Người lớn sôi sục ít lâu rồi cũng lao vào những cuộc tranh luận khác, về những đề tài khác trên mạng xã hội.
Có thời gian để ngẫm, mới thấy không chỉ riêng Vinschool mới có chuyện thông báo tăng học phí. Đầu niên học vừa rồi, đã thấy ồn ào mãi vụ Đại học Tân Tạo kiện sinh viên chưa nộp đủ học phí đã chuyển trường. Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng vừa đưa thông báo nghỉ học đến gần 200 sinh viên nợ học phí từ học kỳ 2 năm ngoái. Các cấp học phổ thông, các trường ngoài công lập, đều có những chuyện như thế. Hoặc không phải công lập, có khi nhà trường nghĩ ra thêm rất nhiều khoản phụ thu rồi đằng nào cha mẹ học sinh cũng kêu trời. Kêu thì kêu, rồi cuối cùng vẫn cứ phải nộp thôi. Truyền thống “ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy…” là truyền thống bền vững. Nhà trường đưa thông báo là nộp, cho dù có phải cắn răng. Trường nào cũng nộp, chỉ có là ít hay nhiều, tên trường càng lớn thì mức tăng học phí dĩ nhiên càng nhiều. Học phí càng tăng thì càng nhiều học sinh phải tìm phương án chuyển đến nơi khác học. Nhưng với sinh viên đại học, chuyển đến trường nào đó phù hợp hoàn cảnh thì tự mình có thể chủ động. Học sinh phổ thông đi đâu còn dựa vào túi tiền bố mẹ.
Một khi đất nước còn nghèo, nhiều gia đình trong hoàn cảnh khó khăn, thì việc chi tiền học hành cho con trẻ không phải chuyện nhỏ với nhiều người. Gia đình nào cũng phải cân đối mức thu và chi. Học phí của con cao gấp mấy lần lương tháng bố mẹ chắc chắn là điều không thể. Phát triển giáo dục phải bảo đảm tính phù hợp, ai chẳng biết thế, nên khi không phù hợp nữa chẳng có cách nào khác ngoài dứt áo ra đi. Học phí càng tăng thì cơ hội cho con được học những trường tốt ( và đắt) càng giảm, điều ấy đương nhiên.
Tăng học phí bao giờ chẳng có lý do, trường nào cũng vậy. Trường nói cần có tiền để cải tiến cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị dạy học, trường nói cần có tiền để đổi mới phương thức dạy học…Bất kể trường nói vì cần gì, thì chúng ta vẫn biết lâu nay, ngành giáo dục đang dần trở nên một ngành dịch vụ.
Trở nên một ngành dịch vụ không có gì sai. Tuy nhiên, giáo dục phải là một ngành dịch vụ đặc biệt. Trong hay ngoài công lập đều như vậy. Giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Mọi ngành dịch vụ đều có quyền nói rằng chúng tôi chỉ phục vụ những khách hàng có tiền, trừ ngành giáo dục. Thật ra ngành giáo dục cũng có thể nói thế (và đã nói thế), nhưng như thế thật buồn!
Tăng học phí và những đôi co quanh chuyện tăng học phí nói cho cùng là chuyện của người lớn. Cha mẹ học sinh bất bình hay nhà trường lạnh lùng ra thông báo, ít lâu là lại đâu vào đấy trong một khoảng thời gian. Những đứa trẻ cũng sẽ yên ổn, vui lớp mới bạn mới trong một khoảng thời gian.
Biết thế, nhưng nhìn vào những mảnh giấy nhỏ bọn trẻ gửi cho nhau, trong một cuộc chia tay chỉ có thể định nghĩa được là vì tiền, lòng vẫn thấy như thắt lại. Phải có tiền mới được tiếp tục học, phải biết nén chịu mới được tiếp tục học…, những lý do như thế, biết nói với trẻ em thế nào?
Học ở những trường hy vọng sẽ đem lại cho con nhiều điều tốt đẹp, mà bài học đắng cay của cuộc đời lại đến sớm như thế, tăng học phí đâu còn là chuyện của riêng người lớn nữa…
Minh Vũ