
Ca sĩ Khánh Ly: Đời đưa tới đâu, thì tôi tới đó!
Người đàn bà gắn chặt số phận mình với các ca khúc của Trịnh Công Sơn giờ đây đã 74 tuổi. Bà tự biết, giờ đây giọng đã yếu, sức đã mệt, da dẻ đã nhăn nheo, nhưng được hát và được khán giả yêu thương, độ lượng, đã là một hạnh phúc.
Trở về với Hà Nội với các ca khúc đi vào lòng người yêu nhạc Trịnh như: Ướt mi, Thương một người, Phôi pha, Biển nhớ, Hạ trắng, Bên đời hiu quạnh, Yêu dấu tan theo, Lặng lẽ nơi này, Dấu chân địa đàng, Có một dòng sông đã qua đời, Rơi lệ ru người, Như một lời chia tay… ca sĩ Khánh Ly chia sẻ: “Tôi run quá khi đứng ở đây, trong không gian của Nhà Hát Lớn, hãy thông cảm cho tôi, tôi biết, tôi hát không còn được hay nữa. Tôi đã đứng ở đây 4 tiếng trước buổi diễn, tôi đã khát khô cả cổ trong cái nóng của Hà Nội, hãy thông cảm cho tôi”.
Nói vậy thôi, chứ người nghe vẫn thấy lòng mình sâu lắng, xúc động khi được nghe Khánh Ly hát live, bởi tiếng hát của bà, là tiếng hát của ký ức, gắn bó với những tâm hồn yêu nhạc Trịnh bấy lâu nay.
TÔI ĐÃ SẮP ĐẶT LỄ TANG CHO MÌNH
Rất nhiều tin đồn về cái chết của Khánh Ly từ khoảng tháng 7-2018, và tới nay, bà lại xuất hiện tại Hà Nội để làm show “Như một lời chia tay”, bà có thể giải thích cho khán giả biết về điều này?
Tôi cũng không biết tại sao có tin đồn như vậy. Đã quá nhiều lần, tôi nghe những tin đồn mà chính tôi tự hỏi mãi cũng không hiểu vì sao. Ví dụ như con tôi đã có lần nghe các cuộc điện thoại hỏi thăm, như: “Mang xác mẹ về chưa?”… Con tôi ngây thơ đâu có hiểu vì sao, chúng sợ hãi với những tin đồn ác ý như vậy. Tôi cũng không sử dụng Facebook, không đọc báo chí nhiều, nên đâu biết các tin đồn về mình diễn ra thế nào. Chính tôi cũng thường hay phải nghe điện thoại: “Ồ, Mai (tên thật của ca sĩ Khánh Ly), Mai ơi, khỏe không?”… Tôi biết, hẳn là họ định hỏi: “Ô, Mai ơi Mai chưa chết à”…
Vậy bà thường có thái độ thế nào với những tin đồn như vậy?
Tôi luôn tâm niệm: Không mang chuyện ngoài đường vào nhà. Nghe người ta nói, trên mạng viết Khánh Ly 5 đời chồng mà tôi tìm hoài không ra đời thứ 4. Tôi không thể hiểu sao, họ cứ đi tìm sự bất hạnh của người khác, họ mới sung sướng hay sao? Thôi, người ta mong mình chết, là họ chúc phúc cho mình đó em!
Dư luận xôn xao vì chủ đề của show lần này, toàn về chia tay và cái chết?
Em ơi, em đừng sợ sự chia ly. Tôi ước ao, nếu tôi chết, mọi người có nhớ tới tôi, thì nhắc tới như này: Ồ, ngày đó, tháng đó, có một người tên Khánh Ly đã đi qua thành phố này. Lúc đó, tôi đã đi xa… Cái chết, nếu bình thường, ai cũng sợ. Tôi cũng run, vì cuộc đời đẹp quá, đâu có ai bạc đãi mình đâu. Nhưng rồi tôi ngẫm ra: Ông Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Thí dụ, bây giờ em phải đi/Em phải đi/Đôi tay em dù ưu ái đời/Em phải đi/Đôi môi ngon dù chưa chín tới/Quanh em trăm năm khép lại/Có còn ai mang hoa tươi/Về yêu dấu/Ngồi quên đời xóa hết cuộc vui…” [Rơi lệ ru người]. Thế nên, “Như một lời chia tay”, nó chỉ là lời chào nhau nhẹ nhàng, êm ái mà thôi. Không nặng nề, mà chỉ như một lời chào nhau trước thôi.
Bà đã chuẩn bị di chúc, sắp đặt cho lễ tang của mình. Tại sao vậy?
Từ khi đi hoạt động thiện nguyện với “Vòng tay nhân ái”, tôi thấy những nỗi đau khổ của mình nhỏ quá, và cái chết không còn đáng sợ nữa. Nên dù chỉ sống 1 giờ nữa, mình cũng phải vui.
Tôi đã lựa chọn gói tang lễ cho mình. Tôi muốn không ai nhìn thấy tôi trong quan tài. Tôi muốn giữ hình ảnh mãi mãi là một ca sĩ Khánh Ly như quý vị vẫn thấy tôi, nghe tôi. Tôi đã dặn con gái: “Khi mẹ chết, hãy thiêu mẹ và rải tro ở bất kỳ dòng sông nào, cũng không cần phải mang tro về Việt Nam”. Bởi đất trời, mình ở chỗ nào vui, cưu mang mình, thì chỗ đó là quê hương.
Tôi vẫn nhớ câu hát của Trịnh: “Những người đến, không vì mong/Những người khuất/không vì quên”… Người ta có của mới lo lắng nhiều, còn người không có gì thì vô lo. Tôi không có tiền để lại cho con cái, tôi chỉ thấy may mắn con cái mình có đời sống tử tế, con cái không tham lam, thế là quá đủ rồi, tôi đâu còn ước mơ gì nhiều hơn.
TÔI ĐÂU CÓ BIẾT YÊU VÀ ĐƯỢC YÊU
Điều gì khiến bà cho rằng, mình không biết yêu và được yêu?
Nói thế nào nhỉ, em có tin là tôi không biết yêu không? Có lẽ, tôi chỉ yêu cái tình yêu của tôi thôi, nó cứ lãng mạn, bay bổng ở đâu đó, chứ tôi không có thực tế.

Năm tôi 16 tuổi, tôi có bầu với một người đàn ông, và tôi nghĩ, mình trót lầm lỡ thì phải lấy anh ấy làm chồng thôi. Tôi theo anh về Đà Lạt sống và có thêm đứa con thứ hai. Tôi một mình. Những điều người ta mừng cho tôi, lại chính là những điều tôi không màng tới. Hoàn cảnh đưa đẩy tôi trong lúc tôi bơ vơ không nơi nương tựa.
Khi đã liều, nhắm mắt đưa chân, là sự cùng đường, là không lựa chọn. Gập ghềnh trắc trở, đổ vỡ là chuyện không thể tránh khỏi và rốt cuộc như một ly nước quá đầy, giọt ân huệ cuối cùng từ bên nào cũng đủ sức làm tràn, tôi không hề hối hận với sự chia tay từ từ kéo dài 3 năm.
Người thứ hai, có với nhau một đứa con gái. Tôi cứ nghĩ, mình chỉ cần đi làm và có tiền thôi là đủ rồi. Có lẽ, tôi không biết làm vợ. Rồi anh có nhiều người đàn bà khác, và chúng tôi lại chia tay nhau. Tôi sang Mỹ năm 1975, làm lụng một mình nuôi 3 người con.
Cho tới khi tôi gặp người chồng thứ ba-anh vốn là một ký giả, lúc ấy có gia đình ở Việt Nam. Hai chúng tôi như hai kẻ chơ vơ ở đó, mỗi người đều đang nhớ thương một người, tôi nhớ bạn tôi, còn anh nhớ vợ, nhớ con ở Việt Nam. Sau đó, ông ngỏ lời: “Anh và em đều không có gia đình, em nghĩ sao khi chúng mình kết hợp với nhau thành một gia đình”… Chỉ có vậy thôi mà tôi gật đầu.
Lễ thành hôn giản dị, chỉ có beer và chả giò, hết khoảng 100 đô la. Mỗi người đeo một chiếc nhẫn. Sau này, nghề báo của anh không phát triển tốt, tôi nói anh về làm quản lý cho em. Và anh đã cùng tôi tới 39 năm. Anh mất năm 2015.
Tôi nghĩ, theo thuyết nhà Phật, mình chôn người nào, người đó mới là chồng của mình. Cũng có thể tôi sai, nhưng tôi nghĩ vậy. Những người chồng trước tới với tôi, có lẽ là duyên nợ. Còn người cuối cùng, tôi thương cắt ruột, bởi họ tới với tôi khi tôi không còn tuổi trẻ, không còn vinh quang, tiền bạc cũng không… Có lẽ, đó là duyên nợ.
Bà cũng đã gặp khá nhiều điều tiếng về đường tình duyên của mình?
Đúng. Nhiều khi cũng cay đắng với các tai tiếng lắm, bởi có nhiều chồng, thêm chồng nữa cũng chẳng hãnh diện gì. Chẳng ai vỗ ngực là mình nhiều chồng cả. Thêm chồng, là thêm cái nhục thôi em. Mà tội cho các con mình nữa. Các con cũng đâu có thích điều đó đâu.
Ngẫm lại, bà thấy mình đã ở vị trí nào trong các cuộc hôn nhân đó? 4 lần sinh con, 4 lần một mình, làm sao bà chịu nổi?
Có lẽ, những người đàn ông đến với tôi, rồi họ lại nhìn tôi như một người đàn ông. Tôi có để ý chi đến vấn đề vợ chồng, tôi chỉ biết đi làm, đi hát kiếm tiền. Chắc lấy tôi là một sự bất hạnh. Tôi cũng hẩm hiu, vì 4 lần sinh con, tôi đều một mình. Tôi chưa được ai gần gụi, nâng đỡ, chăm bẵm như những sản phụ khác, được yêu thương, được nâng niu. Tôi cũng không hiểu vì sao lại như vậy, tôi cũng không dám đổ cho số phận.
Vậy còn lời đồn về mối tình của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly?
Không có đâu, với tôi, anh Sơn như người cha người mẹ, như người anh trai, còn tôi là con, là em anh ấy. Tôi hôn tượng Trịnh Công Sơn mà còn chỉ dám hôn cách 5cm thôi chứ cũng đâu có dám. Tôi yêu bài hát “Những hẹn hò từ nay khép lại/ Thân nhẹ nhàng như mây/Chút nắng vàng giờ đây cũng vội/Khép lại từng đêm vui…”. Cái sự chia tay, đi xa, nó mới nhẹ nhàng, như một cơn ngủ mơ thế thôi.
TÔI KỆ ĐỜI ĐƯA TỚI ĐÂU, THÌ TÔI TỚI ĐÓ
Bà thấy cuộc sống hiện tại của mình thế nào?
Tôi sống không so sánh, không ganh đua, không buồn vì vật chất… Tôi bằng lòng với những thứ mình đang có. Tôi sợ nhất sóng gió. Trước kia, tuổi trẻ, sóng gió của mình đủ rồi, đường đời mình đã gian nan, gập ghềnh khó đi rồi, nên giờ 74 tuổi, trải qua quá nhiều thăng trầm, đôi khi đau đớn, nhưng nếu mình hiểu, tới cây cỏ, tới con đường còn thay đổi, nữa là cuộc sống. Đứng trước nguy nan, sóng gió, nếu giữ được tâm An, xuôi theo dòng đời, không gượng, không cự lại, không chống đỡ, cứ xuôi thôi, thì mới qua được. Chứ chống đỡ, nhiều khi “gẫy” đó. Tôi cứ kệ đời đưa tôi tới đâu, thì tôi tới đó thôi!
Hiện tại bà đang sống với ai?
Tôi có 4 người con với 3 đời chồng. Hai cậu con trai đều ổn định vợ con đề huề. Hai cô con gái tôi đều không có chồng.
Không có chồng, hay chưa có chồng?
Không lấy chồng. Tôi sống với con gái. Và lạ lắm, chúng tôi không được hòa hợp về mặt gọi là tâm sự như mẹ con Việt Nam. Các con gái tôi nó bận làm biền biệt, và thường hâm mộ các minh tinh màn bạc nước ngoài, chứ ít để ý tới mình cũng có một bà mẹ là một ca sĩ.
Cô có ý định viết lại hồi ký của mình không, khác với cuốn đã có?
Tôi không phải là người nhiều chữ nghĩa. Nếu có, toàn là đi vay mượn ở sách báo, có gì viết ra. Tôi quan niệm, khi viết về ai đó, phải là người đó còn sống, chứ tôi không muốn dựa trên cái chết của họ. Tôi không nhắc tới việc ai ghét tôi, vì e như vậy sẽ lệch lạc, không chính xác. Tôi chỉ muốn nhắc tới những gì tốt đẹp nhất. Tuy điều này không phải lúc nào cũng đúng, nhưng tôi chỉ muốn nhắc tới những điều đẹp đẽ. Mà tôi sao vậy đó, đi thăm ai về là người đó mất. Tôi sợ lắm. Như Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Thanh Bình…
Vừa qua, tôi có thăm nhà thơ Hữu Thỉnh, vậy mà mới gặp 15 phút ông đã bị tăng xông, bác sĩ phải cấp cứu…Đó là sự thật, và tôi đành phải tránh, phải né đi thăm họ. Cho dù tôi rất muốn, muốn lắm. Nếu có dịp viết hồi ký, tôi muốn được nhắc tới những người còn đang hiện hữu, hy vọng, sẽ có đủ thời gian, đủ bình tĩnh để làm việc đó.
Chân thành cảm ơn bà!
Codet Hanoi (thực hiện)