
Chuyện gia đình nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý: Những dư âm buồn
Biến cố đáng buồn về gia đình nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cho đến giờ đã tạm thời lắng, nhưng những dư âm về nó vẫn như một cơn sóng ngầm nhức nhối, không chỉ trong lòng các anh em văn nghệ sỹ, mà trong lòng của tất cả các khán giả yêu nhạc cả nước…
Những lòng tốt vô cảm!
Chuyện bắt đầu từ những lời kể “nhớ nhớ quên quên” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý khi ông đã không còn đủ tỉnh táo, thậm chí còn chưa được xác thực từ bất cứ nhân chứng nào, thì người ta đã bắt đầu “hùa nhau” tô vẽ và dựng lên cả một tấn bi kịch thương tâm nhuốm màu bi đát, về một người nghệ sỹ gạo cội bị chính con mình bỏ rơi, phải sống trong cảnh nghèo khó cùng cực. Rồi nhân danh “lòng tốt”, nhân danh “sự tử tế”, nhân danh đạo đức với hai tiếng “trách nhiệm”, người ta bắt đầu kêu gọi, bắt đầu khóc thương, bất kể người trong cuộc có muốn hay không?!
Chỉ cho đến khi nhân vật chính của câu chuyện là con gái nhạc sỹ phải bật lên những lời xót xa đau đớn nhất thì “dư luận” mới chịu dần lắng xuống, nhưng chắc chắn, những dư âm nó để lại thì mãi mãi sẽ không bao giờ có thể xóa nhòa đi được.
Có lẽ, ngay cả trong những ngày tháng huy hoàng nhất trong sự nghiệp của mình, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cũng chưa bao giờ được nhắc đến nhiều như thời gian vừa qua. Chắc chắn chính ông cũng không thể ngờ. Và có lẽ, cũng chưa bao giờ như bây giờ, nhắc đến Nguyễn Văn Tý người ta lại tạm quên đi mất những “Dư âm”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Mẹ yêu con”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”… Không phải là những câu chuyện về âm nhạc, về nghệ thuật, về anh em bạn bè nghệ sỹ, mà là những thị phi ồn ào không mấy đẹp đẽ từ chính những người trong gia đình của người nhạc sỹ đã 93 tuổi ấy.
Phải chăng chúng ta đang sống trong một xã hội đầy rẫy “lòng tốt” nhưng lại hoàn toàn thiếu đi sự văn minh và những xúc động thực sự mang tính Người. Khi mà người ta thậm chí còn không quan tâm đến việc lão nhạc sỹ ấy, nếu còn có đủ tỉnh táo và minh mẫn, phải đọc những thông tin về mình (tràn ngập trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, để cho ai cũng có thể mang gia cảnh của ông ra để phán xét và bình phẩm) thì ông sẽ vui hay buồn?
Thậm chí cũng chẳng ai nghĩ đến việc con cháu ông, rồi cả những thế hệ sau nữa, nếu đọc được những thông tin đó sẽ bị ảnh hưởng và tổn thương ra sao?!
Buồn thay, tất cả những câu chuyện ấy, dường như đã là một vết thương lòng mà người ta đã muốn “đào sâu chôn chặt”, thì nay bị gợi lại bằng một cách vô tình và vô cảm nhất, một cách thiếu tình người nhất.
Có những ranh giới cần được tôn trọng.
Có một thực tế đáng buồn, là trong những năm gần đây, chúng ta đang phải sống trong một xã hội mà nhiều người muốn phơi bày mọi thứ tiêu cực, mọi chuyện đau lòng, xấu xa… nhiều hơn những điều đẹp đẽ.
Và có lẽ, chưa bao giờ, người Việt chúng ta đón nhận những câu chuyện về đời tư của các nghệ sỹ một cách “hồ hởi” và “thích thú” đến thế. Từ những nghệ sỹ đang nổi danh của showbiz, đến các nghệ sỹ hải ngoại, các nghệ sỹ đã khuất bóng, và đến giờ thậm chí cả những nghệ sỹ gạo cội cũng không thoát khỏi “sự bủa vây” của truyền thông và miệng đời.
Trong quá khứ, chúng ta đã từng phải nghe rất nhiều những câu chuyện đáng buồn về đời tư của những nghệ sỹ lớn như Lê Lựu, như Chánh Tín, như Lê Vân… Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận cho xác đáng, nghệ sỹ cũng là con người, và họ không nằm ngoài những yếu đuối, ngã lòng, thậm chí sai trái.
Với nghệ sỹ, hãy nhìn nhận họ qua tác phẩm, bởi việc chúng ta đào bới và soi mói đời tư, vô hình trung chúng ta đã hạ thấp người nghệ sỹ đó, và tự hạ thấp chính mình. Và cho dù nhân danh khán giả, chúng ta có quyền xem xét, có quyền bình phẩm, thì vẫn nên có một ranh giới để cho nghệ sỹ có đất sống và chỗ thở, đừng bóp nghẹt họ qua những sự tọc mạch và soi mói quá sâu vào đời tư.
Quay trở lại câu chuyện của gia đình nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Có lẽ thay vì “hùa nhau” phơi bày câu chuyện nội bộ gia đình ông, ta nên dành thời gian bình tĩnh nhìn nhận câu chuyện một cách nhân văn và tế nhị hơn. Nếu tìm hiểu tiếng nói của những người xung quanh và có sự giúp đỡ gia đình ông, thì mọi chuyện cũng không đến nỗi đi quá xa đến mức này.
Và hơn tất cả, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chúng ta hãy để nhạc sỹ và người thân của ông được cảm thấy an toàn và yên ổn trên chính quê hương, với chính đồng bào mình, chứ không phải sự dè chừng và đối đầu như nhiều câu chuyện đáng tiếc của nhiều nghệ sỹ đã phải bỏ quê hương mà lập nghiệp nơi hải ngoại. Hay như nhà văn Lê Lựu đã có lần phải mệt mỏi mà thốt lên: “Tôi không cần ai thương hại. Tôi cũng từ chối những lời đề nghị chụp ảnh về cuộc sống của tôi. Tôi thấy mình trong những bức ảnh cũng thật đáng thương. Với tôi điều mong mỏi lớn nhất là mong được trở về căn nhà tổ tiên để được thắp một nén hương cho ông bà…”
Lan Anh