
Dịch giả Dương Tường: “Tôi đứng về phe nước mắt” sẽ được in lên mộ chí của tôi
Người ta đã quen với một Dương Tường “chiều buông đầy tiếng thở dài”, “Meaculpa, tôi có tội”, “Tôi đứng về phe nước mắt”… Ông là một trong số nhà thơ thị giác với sự sáng tạo “con âm” trong chữ, – người “một đời ăn nằm với chữ”. Tôi gặp ông đang ngồi uống trà đầu ngõ, sau triển lãm tranh “Dương Tường qua con mắt bè bạn” được tổ chức tại Mai Gallery, Hà Nội.
Phóng viên (PV): Ông thường làm thơ khi nào? Khi buồn chăng?
Dịch giả Dương Tường (DT): Không, không hẳn vậy. Đối với chúng tôi, làm thơ như hơi thở, như một điều tự nhiên. Thường khi cảm xúc tới bất ngờ. Hoặc cũng chẳng hẳn là cảm xúc, mà là một cuộc hành xác nhọc thân trí. Bởi tôi không làm thơ thông thường, tôi còn làm thể nghiệm thơ, mà từ những năm 60 chứ không phải bây giờ.
Ông Đặng Tiến có viết về ông: “Tôi gọi anh là ngữ nhân, hay kẻ chữ, người sống với ngôn ngữ, thao tác trên ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm lương thực trần gian”, ngẫm ra, đó cũng như một sự vinh danh, thưa ông?
Ngày xưa ấy, những năm 60, 70, khi tôi và Trần Dần cùng khoảng 10 anh em, còn đang ham mê chuyện sáng tác thơ ngoài lời, chúng tôi là những kẻ làm thơ thị giác đầu tiên của Việt Nam. Ví dụ trong tập Đàn, có lấy cảm hứng bản giao hưởng Định mệnh số 5 của Beethoven, và tôi gọi là Đàn Mịnh. 4 dấu vân tay của tôi như 4 tiếng gõ cửa của Định mệnh.

Xung quanh là những người đi qua đời tôi, họ ký vào đây, như Văn Cao, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Bùi Xuân Phái, Lê Đạt, Trinh (vợ tôi), và cả một cậu bé đang hiện diện lúc đó, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh… Đôi khi, chỉ có hai người với nhau (tôi và ông Trần Dần), chúng tôi cứ như bị mê hoặc bởi những sự tìm kiếm thơ ngoài lời.
Có một điều đặc biệt mà mãi sau này chúng tôi mới biết, là hóa ra thơ ca chúng ta không hề chậm hơn thế giới. Tôi được tặng cuốn thơ Moment (Chuyển động) của tác giả Henri Michaux (nhà thơ Bỉ) – ông cũng làm thơ thị giác cùng thời với tôi và ông Trần Dần-những năm 70.
Lúc đó, Việt Nam như một chốn biệt lập với thế giới, chúng tôi cứ tự loay hoay làm với nhau thôi, chứ cũng đâu có biết thế giới thời ấy cũng có dòng thơ như chúng tôi.
Người ta nhớ tới Dương Tường, với những câu thơ không phải dễ đọc, nhưng có những câu khiến người ta lặng người đi! Ví dụ như câu đề tựa, tặng “những cô gái làm vợ người ta”.
Đó là những cô gái điếm. Tôi gọi là Bella, Bella nghĩa là đẹp. Bài thơ này đã bị dư luận xưa vùi dập mạnh nhất, cho là khiêu dâm, đồi trụy. “Em/chấm nhỏ/đường khuya/chợ ái ân/loang lổ/đèn đường/mủ đêm/Em đi/môi mọng/đùi mọng/vú ấm/tim trống/đầu trống/Em đi-nhớt đêm/Em đi-mưa xiên/Em đi- trời nghiêng/Em đi-đời bỏ quên”.
Ông có còn nhớ thời gian đi “lao động” không?
Tôi cũng dính dáng chút, “nhẹ thôi”, “nhẹ” nhất hội, phải đi lao động công trường Gang Thép Thái Nguyên, rồi mấy tháng ở Cẩm Phả. Tinh thần lúc đó, thì cũng như các anh em Nhân Văn thôi, phải chịu kỷ luật, còn mình thì KHÔNG THẤY MÌNH SAI!
Bây giờ, ở độ tuổi 88, ngẫm lại, ông thấy cuộc đời của mình thế nào, thưa ông?
Chúng tôi hồi ấy, mới lớn lên 14,15 tuổi đã đi theo Việt Minh, suốt mấy cuộc kháng chiến. Giờ nhìn lại, cái đất nước mình thương yêu, bỏ cả cuộc đời xây dựng nhưng không như mình nghĩ.
Nhiều khi, sống trong tâm trạng đau đớn. Tôi thường nhớ tới những người bạn đã mất của tôi, như anh Mạc Lân, cũng kháng chiến chống Pháp, tự vệ thành, thế mà đọc di chúc thư của anh ấy viết cho con, thương tâm lắm.Bùi Ngọc Tấn, tới khi mất, vẫn vô cùng trong sáng, không chút hận thù. Tôi nhớ ông Đặng Tiến có câu: Cái lý tưởng là cái lý được tưởng tượng.
Độc giả vẫn nhớ câu “Tôi đứng về phe nước mắt”, nhưng làm thế nào, khi ai cũng nhận thấy ông có một tâm hồn và tâm trí thơ trẻ?
Trần Dần gọi tôi là thằng mơ mộng, Châu Diên gọi tôi là đứa trẻ con, còn con gái thi thoảng vẫn gọi bố là baby. Nhưng, tôi đứng về phe nước mắt! Và cô biết không, sau này tôi chết, câu đó sẽ in lên bia mộ của tôi. Mà nếu gọi là phe-nước-mắt thì quá nửa nhân loại đấy! Bao gồm các thuyền nhân, chiến sỹ ở Gạc Ma, bao gồm những người đàn bà bị áp bức, những người sống, trong cam chịu. Cho nên, phe-nước-mắt lớn lắm!
Xin cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn. Chúc ông luôn vui khỏe!
Dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932 tại Nam Định. Ông là bộ đội thời chống Pháp 1950-1955. Ông đã dịch trên 50 tác phẩm của nhiều nước trong đó đáng kể nhất là Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức… Những tác phẩm lớn như: Anna Karenina (L.Tolstoy), Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell), Người dưng (A.Camus), Con đĩ biết lễ nghĩa (J.P.Sartre), Con đường xứ Flandres (Claude Simon), Đồi gió hú (Emily Bronte), Alexis Zorba (Kazantzaki), Cái trống thiếc (Gunter Grass), Lolita (Vladimir Nabokov).
Về sáng tác, ông đã in: 36 bài tình (thơ in chung với Lê Đạt) Mea culpa và những bài khác (thơ), Chỉ tại con chích chòe, Thơ Dương Tường,
Codet Hanoi (thực hiện)