
Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng: nhặt từng sợi rơm đan tổ cho mình
Nếu như “Vùng mây ngủ” của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng gợi nhớ tới “Am mây ngủ” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì tới series tranh “Miền lạc du”, người nghệ sĩ như hòa mình vào từng bước chân trong hình ảnh đầy ẩn dụ của khu vườn yên tĩnh. Rất tài tình trong việc vận dụng các chất liệu dân gian vào tác phẩm của mình khiến cho Hùng tạo được những nét riêng đặc biệt trên con đường sáng tạo của mình. Trong guồng quay sục sôi của cuộc sống, có một người như Hùng- tưởng như đang nhẩn nha kiên trì và cả nhẫn nại, nhưng thấm đẫm tinh thần lạc quan với đời.
HỌC CÁCH LÀM CHỦ CẢM XÚC
Làm mới mình, và dẹp đi những điều đã làm, đã cũ, có phải là điều kiện để cho các tác phẩm sau tiếp tục ra đời? Hay nói cách khác, hình như đã tới lúc chúng ta làm việc không nên chờ cảm hứng?
Với tôi, cảm hứng đến trong lúc làm việc, nếu không bắt tay vào làm, những ý, tứ, những cảm xúc chỉ tồn tại trong tâm trí, không thể hiện thực hóa được. Cảm hứng (cảm xúc, xúc động), nếu bạn quan sát chúng thì sẽ thấy chúng chỉ tồn tại trong vài phút. Giống như bạn xem một bộ phim vậy, khi đến đoạn vui hay buồn bạn chỉ cười trong vài phút, bạn không thể cường suốt 2 tiếng đồng hồ được! Vì thế tôi học cách làm chủ cảm xúc và hứng thú của mình. Khi bạn đã làm chủ được chúng hay nói cách khác là bạn để dành để đưa chúng vào công việc nghệ thuật của bạn, nó sẽ tạo ra rung cảm. Tôi quan tâm nhiều hơn đến rung cảm của người nghệ sĩ.
Từ “Vùng nhiều mây”, tới “Miền lạc du”, anh đã có khi nào thấy chán ngắt, và cần một khoảng ngưng nào cần thiết cho việc vẽ của mình?
Tôi chưa bao giờ cảm thấy chán công việc của mình. Tôi làm việc như một người quan sát chính mình. Trong sáng tác, có nhiều thời điểm người nghệ sĩ cần một khoảng lùi nhất định, tạm dừng để nhìn lại tác phẩm của mình và đưa ra những giải pháp. Nếu gọi đó là những bế tắc thì cũng có phần đúng, nhất là khi người nghệ sĩ luôn đòi hỏi mình phải phát triển và đưa ra những hơi thở mới cho tác phẩm của mình. Trong series “Miền lạc du”, tôi đã từng dừng lại để suy nghĩ, tìm tòi và thể hiện theo hướng khác đi so với “Vùng nhiều mây”, và kết quả là như những gì bạn đã thấy đấy.
THÊM MỘT CHÚT, NHƯ VẬY LÀ ĐỦ!
Vật chất tác động thế nào khi người nghệ sĩ kiếm được/ hoặc không kiếm ra tiền?
Bài toán kinh tế chắc chắn không phải vấn đề của riêng ai. Khi bạn không bị ràng buộc và áp lực bởi những vấn đề tiền bạc, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm chút cho những tác phẩm của mình.
Có thể với một số người, những khó khăn ấy kìm hãm và đè nén sự phát triển của họ, với cá nhân tôi, tôi coi đấy là một thử thách, một động lực để mình vượt qua. Nhưng tôi nghĩ rằng trong thâm tâm, nghệ sĩ nào cũng mơ ước được tự do sáng tác mà không bị bất kỳ vấn đề nào cản trở, từ kinh tế cho đến chính trị, tôn giáo, văn hóa…
Nhẩn nha mỗi ngày một chút – và “thế là đủ”như câu tự nhủ nhưng đầy tính triết lý “xoa dịu” của anh?
Tôi nghĩ, mỗi ngày thêm một chút, và như vậy là đủ. Sống thêm một ngày, làm thêm được một chút việc, thêm một chút vui… Tôi đi góp nhặt những bé nhỏ giản dị ấy như chú chim cần mẫn nhặt từng sợi rơm đan thành tổ cho mình vậy. Và hạnh phúc từ đó mà sinh sôi.
Để hoàn thành series “Miền lạc du”, anh đã trải qua những ngày tháng như nào?
Mặc dù đã có ý tưởng từ trước, phác thảo cũng sẵn sàng nhưng tôi phải mất gần 2 năm cho series “Miền lạc du” với 23 bức tranh trong triển lãm lần này. Đã không ít lần gần như hoàn thiện đến nơi thì tôi lại thay đổi, khiến cho bạn bè ngạc nhiên. Nhưng tôi hài lòng vì mình đã làm như thế. Không ngại những thay đổi và thử nghiệm những cái mới để thể hiện tốt hơn.
Dường như đây là một hành trình trong quá trình cảm thức từ khu vườn của anh?
Tôi có một khu vườn nhỏ ở xưởng vẽ của mình. Tôi thích chăm sóc cây cối và làm vườn, có lẽ trong vô thức, những vẻ tươi xanh rực rỡ của hoa lá của khu vườn đã làm nên thế giới của tôi. Những chuyến leo núi, dã ngoại cùng bạn bè và gia đình về với thiên nhiên không chỉ giúp tôi thư giãn và vui vẻ, mà cũng truyền thêm cho tôi cảm xúc để tiếp tục công việc của mình.
Không có bóng dáng người hoàn chỉnh nào trong tác phẩm, mà chỉ lấp ló đâu đây một vài nét điểm, dụng ý của anh là gì?
Những nhân vật trong tranh là những mảnh ghép về những người sống quanh tôi, có thể là bất kỳ ai, một hình bóng lướt qua trên báo chí, truyền hình, cũng có khi là bạn bè, gia đình, thậm chí cả bản thân tôi. Tôi gửi gắm tình yêu thương đến mọi người và mong muốn những điều tốt đẹp đến với họ.
Người thưởng ngoạn dễ dàng nhận ra những bóng hoa sala trong tranh của anh, phải chăng như một điểm nhấn có liên quan tới Phật giáo mà anh muốn nhấn mạnh?
Những ai quan tâm đến đạo Phật đều biết rằng tư tưởng của đạo Phật là hướng thiện, tiến tới sự giải thoát. Nhiều người nói không gian trong tranh của tôi mang hơi thở của thiền, và đúng như vậy. Tuy nhiên, tôi không muốn nói nhiều đến tôn giáo hay đạo Phật. Tôi nghĩ là ai xem tranh cũng có cảm nhận riêng và tôi rất mong những người xem tranh có thể cảm nhận không gian mà tôi muốn gửi gắm.
Tận dụng nhiều kỹ thuật và chất liệu dân gian, phải chăng đây là nguồn chất liệu khó có thể cạn kiệt với anh?
Chất liệu dân gian là nguồn cảm hứng tuyệt vời dành cho tôi. Từ những tinh hoa chắt lọc ấy, tôi thấy lớp lang những hào quang vàng son qua hàng nghìn đời của văn hóa và dân tộc.
Không chỉ có tranh, lần này anh còn quay trở lại với sắp đặt “Những ngày dài” gồm hơn 8.000 câu ca dao tục ngữ được gắn lên những chiếc bật lửa sắp xếp thành một cây cột cao 3m. Chọn phương thức biểu đạt này có ý nghĩa gì vậy?
Tôi rất thích sắp đặt. Tôi đã làm sắp đặt từ những năm 2003 và luôn muốn có thể tiếp tục phát triển những tác phẩm ấy của mình. Lần này rất vui là tôi đã có thời gian và điều kiện để làm việc ấy. Bạn biết đấy, một tác phẩm sắp đặt tiêu tốn không chỉ thời gian và tiền bạc, mà còn không dễ để được chấp nhận. Tuy nhiên, tác phẩm lần này của tôi nhận được phản hồi tích cực từ công chúng và đó chính là thành quả của tôi rồi.
Luôn tự nhận mình như người nông dân trên cánh đồng của mình, có bao giờ, người nông dân chợt thấy mình là “địa chủ” chưa?
Tôi thích câu hỏi này của bạn. Nhưng tôi không biết có bao nhiêu ruộng thì sẽ thành địa chủ, tôi chưa nghĩ đến việc ấy bao giờ. Nhưng làm địa chủ chắc là vượt quá khả năng của tôi vì tôi không biết làm địa chủ phải làm những gì. Ở một số nước tôi đã từng đi, có những cánh đồng mênh mông bát ngát lắm, nhưng chủ nhân của chúng cũng chỉ là những người nông dân thôi, có lẽ khái niệm địa chủ chỉ tồn tại dưới thời phong kiến thôi. Tôi sẽ tiếp tục cày cuốc thêm nhiều nữa trên cánh đồng nhỏ bé của mình thôi.
Codet Hanoi (thực hiện)