
Họa sĩ Trần Hoàng Hải Yến: “Quái” nay không giống “quái” xưa!
Nổi danh với các bộ tranh mang tên: “Quái”, Trần Hoàng Hải Yến ngày càng khẳng định con đường riêng của mình trong nghệ thuật hội họa. Với chị, hội họa là một hành trình dài kiếm tìm bản ngã với cái tôi của cuộc đời. Tranh của Yến không mượt mà, nuột nà, mà dường như có muôn ngàn lớp sóng ngầm phía dưới những vẻ vặn vẹo, méo mó của những nhân vật.
Chị có đưa ra một quan niệm riêng về hiện thực trong hội họa hay không?
Hiện thực là cái hữu hình hay vô hình, nhưng nó đều tồn tại trong đời sống vật chất cũng như tinh thần mà mỗi con người chúng ta có thể cảm nhận được. Vậy phản ánh cái nhìn hiện thực ấy chính là cái bản chất cốt lõi của người nghệ sĩ nói chung hay các họa sĩ nói riêng chứ không chỉ mình tôi.
Thời kì đầu, tôi cũng theo đuổi thủ pháp biểu hình hiện thực, nhưng ở hiện tại, tôi đã thấy nó không còn đủ đáp ứng cho mình, nên đã kiếm tìm cách thể hiện sự thật hiện hữu từ những điều tưởng chừng như không thật, để biểu đạt về một sự tồn tại không dễ thấy. Ở đó, cái hình chỉ là một cái cớ và là phương tiện để biểu đạt những ý niệm trong tôi đối với đời sống của con người.
Tôi cũng cảm nhận thấy hơi thở đậm đặc của đời sống thị dân với góc nhìn giễu nhại trong tranh của chị, nhưng khó có thể cười nổi?
Đời sống đâu chỉ có màu hồng, nó đẹp bởi nó có nhiều màu sắc. Ta hạnh phúc với màu ta yêu, đau buồn với điều ta không thích, nhưng đời vẫn đẹp và có ý nghĩa bởi nó là sự hài hòa của cả nụ cười và nước mắt. Không phải ngẫu nhiên một triết gia tôn giáo đã từng nói: “Tận cùng của địa ngục là thiên đường, mà đỉnh cao của cõi thiên đường chính là địa ngục”. Không trải qua đau khổ sao ta hiểu được giá trị của hạnh phúc.
Là con người thì hỉ nộ ái ố luôn tồn tại, tôi biểu hiện cảm xúc cũng như cái nhìn của tôi về xã hội trong từng bức tranh, trước là để soi cái nội tâm của chính mình, sau như một sự chia sẻ, một chút suy tư để tìm sự đối thoại với con người. Với tôi, tranh đơn thuần là một ngôn ngữ kết nối con người gần nhau thêm và yêu cuộc sống của chính mình.
“Tôi nhìn thấy đằng sau những bức ảnh tự sướng của kỷ nguyên Internet là sự cô đơn trong sâu thắm mỗi cá nhân đang gào thét đi tìm những yêu thương”, phải chăng cảm nhận thế nên chị cũng đã thể hiện sự cô đơn đó vào tranh của mình?
Đời sống là muôn màu. Cùng một sự vật hiện tượng thì mỗi chúng ta vì tri thức của chính mình đều có những lý giải riêng, nhiều khi không giống nhau. Cũng là sự vật hiện tượng đó, nhưng mỗi thời điểm khác nhau, lại có những tác động khác nhau về bản chất. Đời sống là một hành trình dài tiếp nhận và lọc bỏ. Nó chỉ kết thúc với mỗi người chúng ta khi cái cảm về hoan ái hỉ lạc, về nộ giận thương đau trong mỗi con người không còn tồn tại.
Mỗi thời kỳ, tranh của tôi lại phản ánh góc nhìn của tôi về cái cảm trong xã hội; và nó có thể sẽ là những đối thoại với người xem. Và tôi không nghĩ là chỉ có các nghệ sĩ mới có cái nhìn như vậy. Khi chúng ta biết yêu con người, biết quan tâm cái đời sống nó đang vận hành và tác động đến với mỗi số phận thì như một văn sĩ tôi yêu vẫn nói: “Hoa sẽ nở khi mùa xuân về, chỉ là trong trái tim ta có giữ một hạt mầm ấy không mà thôi!”.
Chị đã nghĩ thế nào, khi đặt tên cho các bộ tranh của mình là Quái, Quái 1,2,3… Tại sao lại là Quái. Và Quái mới nhất có phong cách gì?
“Quái” là tên một bộ tranh trước đây tôi nhìn nhận về sự khác lạ và lạc lõng của con người giữa đời sống hiện đại. Tại sao lại là sự khác lạ ấy là bởi vì sự không giống ai và xa cách những giá trị văn hóa gốc của dân tộc. Trong một bài viết trước đây tôi có nói về bi kịch của chiến tranh, sự vô thức của con người đã làm mất đi những giá trị đã tạo nên cấu trúc văn hoá của con người Việt Nam, để khi xã hội Việt mở cửa và va chạm với những nền văn hoá của các dân tộc khác trên thế giới đã khiến niềm tin trong một bộ phận người về những giá trị văn hóa của dân tộc bị lung lay.
Họ, hay chúng ta một cách vô thức đã tự tiến hành vay mượn những khía cạnh văn hóa khác loại, để rồi trong cõi vô tri ấy đã tự làm yếu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình, hoặc giả đã biến tấu tạo thành một thứ kiến trúc văn hoá quái dị. Chính cái quái dị, cái hẫng hụt ấy đã khiến chúng ta cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Ấy là khởi điểm của bộ tranh mang tên “quái” trước đây mà tôi thế hiện. Quái của tôi hiện giờ đã không còn là quái như xưa kia nữa, có lẽ quái hiện giờ chỉ còn lại là chính bản thân tôi mà thôi. Chúng ta cô đơn bởi chẳng có ai cùng chân dung hay trùng dấu vân tay với chúng ta mà! (cười).
Tôi rất muốn hiểu nội tâm của chị, trong cuộc sống của chị, liệu những cảm xúc cô đơn và sự bất lực khi muốn thể hiện hoặc nhờ vẽ như một phương pháp cứu cánh của cuộc sống, có là những thứ quen thuộc, thường trực trong chị?
Như tôi đã chia sẻ, với tôi hội họa là một ngôn ngữ và nó không có gì là nhạy cảm cả. Tôi vẽ cái chính tôi, cái con người trong mỗi chúng ta. Và cũng như bao người bình thường khác trong xã hội, tôi cũng có những lo toan, những vui giận, hờn ghét trong đời sống như bao người và tôi hài lòng vì tôi còn tồn tại và vì những người tôi yêu thương.
Chị nói về bản năng rất hay, vậy bản năng của chị là gì? Và chị có hài lòng với hiện tại không?
Tôi nghĩ trong sâu nhất mỗi chúng ta là bản năng tồn tại và tồn tại có ý nghĩa!
Chị có bán được tranh không?
Tôi may mắn khi hội họa với tôi không chỉ là một câu chuyện cuộc đời mà còn là một nghề nghiệp và tôi được sống với chính mình, không có nhiều điều phải tiếc nuối.
Sự tự do có ý nghĩa thế nào đối với chị? Liệu tiền bạc hoặc các thứ khác, nó có làm rối loạn chị không?
Sự tự do có ý nghĩa với tất cả chứ không riêng gì ai. Tiền bạc với tôi, đơn thuần là giá trị sự lao động và cuộc sống có ý nghĩa cho mỗi một con người, và sự tự do chỉ có ý nghĩa khi chúng ta được tồn tại là chính mình!
Xin chân thành cảm ơn chị!
Codet Hanoi (thực hiện)