
Hoàng Thùy Linh: Hãy làm nghệ sỹ một cách sòng phẳng
Thế nhưng khi tất cả mọi chuyện xảy ra và cho đến bây giờ cũng vậy, Linh quên mất mình là một nghệ sỹ, Linh đánh mất tâm thế và thái độ cần thiết của một nghệ sỹ thực thụ mà lại chỉ mong người đời nhìn mình như một người phụ nữ bình thường nhất, một người đổ lỗi cho tuổi trẻ với những sai lầm để cầu xin tha thứ, dùng nước mắt và sự khốn khổ để mong muốn được đối xử công bằng…
Tôi thực sự đã rất đắn đo khi chọn Hoàng Thùy Linh làm đề tài cho mình, vì tất tật mọi chuyện liên quan đến Linh ở thời điểm này đều trở nên hết sức nhạy cảm, và cũng đơn giản là tôi chỉ coi đó là tai nạn, và đã là tai nạn thì nên cho qua, không nên phán xét làm gì.
Nhưng bằng một cách nào đó, những ngày tháng 3 của phụ nữ, của thanh niên mà tôi vừa trải qua cứ luôn bị nhắc đi nhắc lại câu chuyện của Hoàng Thùy Linh trên khắp các mặt báo và mạng xã hội, người khen kẻ chê, những định kiến, những dè bỉu, những cảm thông, đủ cả. Về phía Linh, cô xuất hiện trên truyền thông và khóc nhiều, Linh bảo rằng đó là cách để Linh “đối diện lần cuối và quên đi”!
Và câu chuyện của ngày hôm nay, khi mà Linh cùng ekip của mình vừa quyết định cho ra mắt cuốn tự truyện, sau 10 năm, kể về những gì cô đã phải trải qua, về những “khoảng tối” của cuộc đời mà cô muốn một lần đối diện cho sòng phẳng, thì sự việc này một lần nữa khiến câu chuyện về Hoàng Thùy Linh “nóng” hầm hập trở lại, không rõ là vô tình hay hữu ý!
Đến đây, tôi buộc phải nhắc lại câu chuyện về Hoàng Thùy Linh, nhưng không phải câu chuyện của 10 năm trước, mà là câu chuyện của hiện tại, là cái cách mà Linh, giờ đây đã là một người phụ nữ 30 tuổi, một nghệ sỹ được nhiều người biết đến, thì Linh đã đối diện với sai lầm của mình ngày đó như thế nào?!
Tôi có đọc lướt qua cuốn tự truyện đó của Linh, và một số bài báo về cô những ngày gần đây. Linh kể về chuỗi ngày cô gọi là “địa ngục”, khi mà mọi thứ đổ sụp trước mắt cô, và cô từ một nạn nhân đã bị cả xã hội quay lưng, biến thành một kẻ phạm tội. Và sau tất cả, Linh gọi đó là “sai lầm của tuổi trẻ”, sai lầm mà cô luôn phải nỗ lực hết mình để trốn chạy và xóa bỏ.
Là một người xuất thân trong một gia đình trí thức nghệ sỹ, Linh được đặt vào bệ phóng để trở thành một ngôi sao, Linh được học văn hóa, được học múa, học đàn, học diễn xuất, và hiện nay cô đã tốt nghiệp thạc sỹ Nghệ thuật. Thế nhưng khi tất cả mọi chuyện xảy ra và cho đến bây giờ cũng vậy, Linh vẫn quên mất mình là một nghệ sỹ, Linh đánh mất tâm thế và thái độ cần thiết của một nghệ sỹ thực thụ mà lại chỉ mong người đời nhìn mình như một người phụ nữ bình thường nhất, một người đổ lỗi cho tuổi trẻ với những sai lầm để cầu xin tha thứ, dùng nước mắt và sự khốn khổ để mong muốn được đối xử công bằng.
Vậy “Công bằng” ở đây là gì?
Nói đến đây thì tôi buộc phải thú nhận không biết phải nhìn nhận những đóng góp của Hoàng Thùy Linh trong nền nghệ thuật nước nhà như thế nào, ngoài MV “Bánh trôi nước” được đầu tư tiền tỉ nhưng giọng hát thì thuộc hàng dưới trung bình, thì gần như Linh chưa có sản phẩm nào ý nghĩa và có giá trị nghệ thuật thực sự. Và sự khắt khe của công chúng trong 10 năm qua liệu có phải là lý do của tất cả những điều này?
Có ai đã nói rằng, trong Showbiz thì đừng đòi hỏi công bằng, người khôn, kẻ mạnh sẽ thắng, người yếu thì mãi mãi sẽ là kẻ yếu mà thôi. Tự truyện của Linh có lối viết với đầy uyển ngữ và mỹ từ, thậm chí người ta đã tính toán cả những phương án xử lý với những sự biến động nhiều chiều của dư luận, thì liệu có còn đơn thuần chỉ là câu chuyện của cảm xúc, của nỗi niềm của một cô gái sau 10 năm từ lỗi lầm của tuổi trẻ. Ở đây khoan bàn đến việc toàn bộ câu chuyện có phải là một “chiêu trò PR” hay không, nhưng rõ ràng tên tuổi của Linh đang được cộng hưởng khá nhiều từ cuốn tự truyện lần này.
Và, nói đi thì cũng phải nói lại, nếu Linh không muốn bị công chúng mang toàn bộ câu chuyện quá khứ của mình ra làm “điểm trừ” trong sự nghiệp, thì cũng không thể lấy nó ra để làm “ưu thế” như cô và toàn bộ Ekip của cô đang làm, nên chăng vậy mới là công bằng!
Trong cuốn “Người không quê hương” của Kurt Vonnegut, ông có viết một đoạn thế này: “Nếu bạn muốn thực sự làm cha mẹ khổ tâm mà không đủ can đảm làm người đồng tính, việc tối thiểu bạn có thể làm là gia nhập ngành nghệ thuật…‘’.
Có lẽ, câu chuyện của Linh sẽ không trở nên quá kinh khủng như vậy nếu cô không phải một diễn viên, ca sỹ nổi tiếng. Một Hoàng Thùy Linh 19 tuổi có thể làm cha mẹ đau lòng đến vậy, nhưng giờ đây, đã 30 tuổi, sau những vấp ngã, có lẽ Linh nên chọn cho mình con đường điềm tĩnh hơn chứ không nên một lần nữa tạo ra ồn ào không đáng có như bây giờ, để thực sự cha mẹ Linh không còn bị nhắc đến trên mặt báo về câu chuyện cũ. Cũng mong Linh đừng đổ lỗi cho công chúng vì công chúng đã luôn ở đấy, luôn như vậy, họ yêu ghét sòng phẳng, chỉ là người nghệ sỹ có biết cách nắm giữ được niềm tin yêu của họ đến bao giờ mà thôi.
Và sau tất cả, chỉ mong Linh có thể thực sự an nhiên mà bước qua, mong Linh không cần phải nhắc lại bất cứ một lần nào nữa những cụm từ như “đối diện”, hay “bước qua”, mà cô có thể vững vàng thực sự khi nghĩ về phần đời đó, không trách mình, không trách đời, để sống và làm việc như một nghệ sỹ thực thụ bằng những tác phẩm có giá trị hơn.