
Nghệ sĩ Hoàng Himiko: Chấp nhận và quan sát đứa trẻ – vài – khi – xuất – hiện
Hoàng Himiko cùng lứa tuổi 7x với chúng tôi, cô là một nghệ sĩ thị giác thành danh tại Thành phố Hồ Chí Minh. 2012, cô bị tai nạn, bất tỉnh, và phải vá một phần sọ. Sống, và điều gì xảy ra, khi con người phải tồn tại, vật lộn với sự tồn tại?
TÔI CÓ GÀO LÊN, KHÓC TO QUÁ MỨC KHI CĂNG THẲNG
Biến cố cuộc đời xảy ra với bạn vào thời điểm nào?
Tôi gặp tai nạn khi vừa được người sưu tập mua gần hết tác phẩm trong hai cuộc triển lãm, và vừa trả được hết nợ trong ba lần di dời địa điểm Himiko visual café. Khi đang hạnh phúc ngợp ngời trong tình yêu vừa mới bắt đầu và lần đầu tiên, có người muốn kết hôn với tôi. Thế rồi rụp cái, vụ tai nạn xe xảy ra, khi tỉnh dậy, tôi hơi ngơ ngác vì đang ở trong một giấc mơ sâu, và một câu chuyện huyễn tưởng như phim Hàn Quốc đã diễn ra từ giấc mơ sâu đó, đến một tháng sau, thì đứt.
Bạn có oán hận, trách móc, hay cảm giác thế nào sau tai nạn?
Tôi có gào lên, như một đứa trẻ, rằng sao không để mình ra đi, khi đang trong giai đoạn hạnh phúc nhất. Nhưng đó là suy nghĩ của một đứa trẻ, khi đang ngơ ngác bởi những điều huyền diệu, đang tràn ngập trong hạnh phúc, kéo dài đến tận trong cơn mê, thì đột nhiên, mất hết. Khi định thần lại, trở về tuổi sinh học, tôi lại nhận ra rằng, không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm quý báu như mình. Là một người sáng tác, rõ ràng, tôi đã có được một trải nghiệm quý báu, dẫu có hơi nhọc nhằn một chút. Nếu là tôi của ngày trước, sẽ hiểu được rằng, hạnh phúc không thể là một chuỗi dài bất tận, chấp nhận chuyện đến, và đi, như lẽ thường tình. Những phản ứng xốc nổi là theo logic của một người bị tổn thương não, cũng không thể trách mình được, và càng không thể trách người được. Cho nên, chỉ còn chấp nhận, và quan sát thôi.
Bạn đã quay về công việc như thế nào? Nó có phải điều cứu bạn ra khỏi những cơn khủng hoảng?
Tôi chạm tay vào đất trong chuyến ra Bắc dự dám cưới người bạn thân, rồi xuống xưởng gốm của anh họa sĩ ở lại một tuần. Khi trở về Sài Gòn, tôi nhận dạy một chị người Áo làm tượng và phù điêu chân dung. Rồi những người khách đã mua những khung cửa sổ làm từ giấy bạc bao thuốc lá lượm ven đường đã giới thiệu bạn bè họ đến đặt tôi những khung cửa sổ khác. Một khách quen cũ ở Himiko visual café xưa đã tìm tôi để đặt 15 con chuồn chuồn cho Pullman resort ở Đà Nẵng. Dù chuyện đột-nhiên-về-làm-con-nít ảnh hưởng và làm thất thoát khá nhiều, nhưng thật may là tôi vẫn còn đủ chi phí để thực hiện được phần sơn mài của 57 chiếc hộp. Và có hơn 11 người tình nguyện làm mẫu cho phần 2 của dự án Come out (Ngoài sáng). Hiện tôi đã chụp được 9 người.
Tôi không biết điều tôi đang đối diện có thực sự là khủng hoảng hay không. Đúng là một sự căng thẳng cao độ với một đứa nhỏ, tôi có thỉnh thoảng không kiềm chế được, có gào lên, khóc to quá mức chấp nhận so với một người ở tuổi 40. Nhưng khi trở lại đúng tuổi sinh học, bình tâm hơn, tôi có dịp quan sát lại những phản ứng của mình, và của người. Có lẽ, gọi đó là thử thách, thì đúng hơn là khủng hoảng chăng?
Rất có lý đấy. Còn ngay bây giờ?
Tôi đang có hai nửa gương mặt khác nhau bởi phần mặt trái hiện đang bị đơ do ảnh hưởng bởi chấn thương não phải, nên mất hẳn nụ cười xưa. Tôi hay đùa là mặt tôi có nửa thiện và nửa ác. Và có lẽ chưa quay lại được 69% của tôi xưa. Hiện tôi đang phải dọn studio bởi chủ không gian này vừa bán. Chuyện này có hơi quá sức tôi trong giai đoạn này, nhưng thay vì than vãn, tôi đành bắt tay vào đóng gói thôi. Thật may là có những bạn trẻ đến xem Come out đã tình nguyện phụ tôi đỡ phần nào. Hiện tôi đang ngồi trên một đống hỗn độn phải lo lắng, suy nghĩ và thu xếp dọn dẹp với sự giúp sức của vài người trẻ tích cực.
Dọn studio, và quyết định về quê? Thua, hay an dưỡng?
Tôi đang phân vân nhiều, vì chưa thể chủ động được như xưa nên cũng có nhiều nghĩ ngợi. Sau tai nạn, mật độ di chuyển của tôi tăng gấp đôi so với 3 lần di dời Himiko visual café khi còn khỏe mạnh. Tôi đang quá tải và cần phải chọn lựa nhanh. Nửa muốn về quê ở với má cho hết năm nay, tập yoga, định thần lại cho cân bằng nhịp sinh học và xây một không gian lưu trú chia sẻ cùng nghệ sĩ các nước trên mảnh đất được ba má cho. Nửa muốn tập trung làm cho xong dự án Come out. Về quê thì là chọn giải pháp nghỉ ngơi yên ổn cho mình, vốn không hợp với tính tôi xưa. Còn ở lại mà chưa thể chủ động hoàn toàn thì vài-khi-đột-nhiên-con-nít cũng làm tôi đưa ra những quyết định gây chới với. Tôi chưa thể nói mình sẽ định gì được ngay trong lúc này. Tôi còn hơn mười ngày nữa để nghĩ trong một đống hỗn độn đó.
TRẠNG THÁI ĐỨA – TRẺ – VÀI – KHI – XUẤT – HIỆN
Đột – nhiên – con – nít? Một trạng thái mới của bản thân?
Đúng thế, chuyện thay đổi rõ ràng nhất là tôi thường có nhiều-phút-đột-nhiên-con-nít. Vì con nít, nên vài khi tôi bỗng nói nhiều, khác hẳn tôi của ngày xưa, ít nói, chỉ cười, diễn đạt nhiều chăng là chỉ qua câu chữ, chứ không phải bằng lời nói (và dễ gần hơn tôi của ngày xưa nữa). Sự thay đổi trẻ nít được ghi lại rõ rệt nhất chắc là qua những status dài thoòng rối rắm, lê thê. Não phải tôi bị giập, mà theo khoa học, não phải là đại diện cho phần cảm xúc, tôi sợ rằng trong vài khi bất chợt nào đó, tôi chỉ toàn quyết định thiên về lý trí thì phần cảm xúc có đôi chút thiệt thòi! (cười)
Tôi bây giờ ở hai lưỡng cực khác nhau về tâm trạng. Lúc thì tíu tít, khi thì trầm mặc. lúc thì vui vẻ lạc quan, khi thì khóc tu tu lên bấn loạn không biết làm gì, muốn bỏ hết để về với má. Cũng như, vì vài-khi-đột-nhiên-trẻ-nít đó, mà tôi thỉnh thoảng có tâm thế khư khư với đồng tiền một cách vặt vãnh, không cần thiết. Nghĩ lại thì thấy cũng buồn cười, vì khư khư vậy chớ cũng giữ được đâu, y như đứa con nít. Và quan trọng là tôi đã không chọn con đường kiếm tiền từ khi tôi vừa ở Nhật về, thì đâu thể nào mà bây giờ tôi lại quẹo vô con đường không nhiều dấu vết cảm xúc đó. Giờ đang là lúc tôi cần giữ tâm bình thản, rồi từng bước tìm lại tôi xưa, và đi tiếp con đường mình đã chọn.
Tôi không còn tự hỏi mình muốn gì, cần phải có gì nữa, vì biết rằng như thế chỉ vô tình tạo ra áp lực cho đứa-trẻ-vài-khi-xuất-hiện đó, và cũng chẳng dễ chịu hơn. Tôi bắt đầu thuận theo duyên nhiều, bắt đầu biết chấp nhận những gì xảy đến như là lẽ thường tình. Có thể, tôi không có nhiều lựa chọn, nhưng ít ra, tôi còn có quyền khước từ. Khi thấy mệt mỏi, đứa-trẻ-vài-khi-xuất-hiện đó sẽ có xu hướng lựa chọn sự yên thân, cuộn mình lại ngơi nghỉ. Khi định tâm cân bằng lại, trở về tuổi sinh học, tôi sẽ từng bước từng bước gỡ ra. Tôi biết, mình đang cần phải bình thản, quan sát chứ không nên giận dỗi hay trách móc đổ thừa ai nữa.
Một điều khác mà bạn muốn chia sẻ?
“Tôi đã thôi không còn hoài nghi về khả năng của mình, cũng như không còn hoang mang chẳng biết rẽ vào đâu trước muôn vàn ngã đường đang chờ tôi trước mặt. Bởi vì tôi biết rằng tôi sẽ không tự ép mình phải ngã theo một cá nhân nào đó khi mà dẫn dắt tôi sẽ là cảm xúc của chính mình. Tôi không hoài vọng về một sự nổi tiếng hay được mọi người thừa nhận. Tôi sẽ bắt đầu cho những khao khát cháy bỏng từ thuở ấu thơ. Tôi sẽ bắt đầu một cuộc hành trình khám phá cuộc sống chung quanh mình. Và từ đó, góp nhặt từng chút, từng chút một những niềm vui nho nhỏ tạo thành một hạnh phúc thật sự! Dĩ nhiên, ở một góc khuất sâu kín trong tâm hồn, tôi vẫn khao khát được nhân đôi những niềm vui. Biết đâu được điều kỳ diệu ấy sẽ đến, trên một chặng đường nào đó trong cuộc hành trình mà tôi lựa chọn!”.
Trước kia, tôi từng nghĩ về một gia đình, (từng nghĩ về một kế hoạch sẽ có một đứa con). Nhưng có lẽ đến giờ này, tôi đã thực sự thay đổi suy nghĩ. Có lẽ điều tôi muốn lưu giữ trong cuộc đời này không còn là một đứa con nữa, mà sẽ chỉ là những tác phẩm, những quan sát, ghi nhận của tôi trong cõi người này. Cũng như, vì vài-khi-đột-nhiên-trẻ-nít đó, mà tôi thỉnh thoảng trở lại khư khư với đồng tiền một cách vặt vãnh. Nghĩ lại thì thấy cũng buồn cười, nhưng mà tôi đã không chọn con đường kiếm tiền từ khi tôi vừa ở Nhật về, thì đâu thể vì lý do gì mà bây giờ tôi lại trở về con đường khô khan đó. Giờ đang là lúc tôi cần giữ tâm bình thản.
Codet Hanoi (thực hiện)