
Nhà báo Lê Hồng Lâm: Đơn độc vượt qua chướng ngại
Lê Hồng Lâm vốn là thư ký Tòa soạn của một tờ tạp chí suốt 12 năm. Anh quyết định tạm ngưng công việc làm báo toàn thời gian, để được viết, và nghiên cứu tự do. Anh là tác giả của các tác phẩm: “Xem chữ đọc hình”, “Chơi cùng cấu trúc”, “Cánh chim trong gió”, “Sự lưỡng nan của tình thế làm người”. Cuốn sách mới ra mắt: “101 bộ phim Việt Nam hay nhất” của Lâm là một dự án, một công trình cá nhân mà anh muốn dành để tôn vinh những tài năng của điện ảnh Việt Nam đang dần bị lãng quên, cũng như những bộ phim hay đang bị lãng quên. Điều này đánh dấu một bước tiến mới trong con đường nghiên cứu và phê bình chuyên nghiệp của nhà báo Lê Hồng Lâm.
Ba năm lầm lũi vượt qua “đỉnh núi”
Lâm đã chần chừ bao lâu để rồi quyết định nghỉ việc để bắt tay vào công việc của một người nghiên cứu và viết sách?
Khoảng hơn 1 năm. Đó là thời điểm mà tôi không còn cảm hứng với công việc làm báo toàn thời gian. Một phần do báo in khủng hoảng dẫn đến mất cảm hứng, phần khác, tôi thấy mình bị cuốn vào công việc làm báo toàn thời gian trong suốt 16 năm kể từ ngày ra trường và bỏ lỡ một vài dự án cá nhân. Đó là lúc mà tôi nghĩ mình nên dừng lại công việc làm báo toàn thời gian, xin nghỉ tại một công ty truyền thông và chuyển sang làm tự do.
Tôi vẫn viết báo, thậm chí viết nhiều hơn trước, đơn giản là mỗi tháng mất một khoản tiền lương lớn chuyển thẳng vào tài khoản. Bên cạnh đó, việc không phải đến công sở, đối mặt với những áp lực của công việc và đi lại khiến tôi nhiều cảm hứng hơn trong việc viết lách. Sau một loạt chuyến đi ở nhiều nước trên thế giới, tôi bắt đầu tập trung vào công việc nghiên cứu và viết sách. Công việc mới này cũng đòi hỏi tính kỷ luật cao hơn nhưng cũng nhiều cảm hứng hơn.
Thế giới của người làm báo khác thế giới của người nghiên cứu, viết sách như thế nào?
Công việc làm báo trước đây của tôi cũng không đến mức hối hả, do nhịp làm báo kiểu tạp chí phát hành hàng tháng chứ không phải làm nhật báo hay báo online khiến tôi chưa bao giờ là một người quá bận rộn trong công việc. Hơn nữa, tôi là một người thích tận hưởng những giây phút tự do và những chuyến đi rong ruổi, nên công việc làm báo đối với tôi khá dễ thở.
Nhưng nói gì thì nói, làm báo vẫn phải phụ thuộc vào deadline, vào chủ đề thời sự hàng tháng, vào sự phối hợp team-work, vào nhu cầu của thị trường và thị hiếu của bạn đọc. Còn công việc nghiên cứu và viết sách hoàn toàn phụ thuộc vào dự án cá nhân của mình. Nó cũng có deadline (do mình tự đặt ra), cũng bị sức ép từ đơn vị xuất bản… nhưng nói chung nó vẫn là một dự án có tính cá nhân và ta hoàn toàn có thể làm chủ được nó mà không phụ thuộc vào người khác.
Tất nhiên, tôi cũng phải “trả giá” bằng chuyện khác. Áp lực của công việc mưu sinh, sự đơn độc vì thực hiện một dự án có tính bao quát và xuyên suốt, nguồn tư liệu hiếm hoi… Nhưng sau gần 3 năm lầm lũi vượt qua “đỉnh núi” này, tôi cũng tự tạo cho mình một khả năng vượt qua được những chướng ngại trước mắt. Và chướng ngại lớn nhất, không gì khác, chính là bản thân mình.
Một chút về cách “vượt chướng ngại” của Lâm?
Để vượt qua được sức ì bản thân và luôn tạo được động lực, cảm hứng viết; một trong những việc mà tôi thực hiện thường xuyên, đó là “nạp năng lượng”. Giống như người tập gym dù bận cách mấy cũng phải đến phòng tập một tiếng; tôi cũng dành thời khắc đầu ngày cho việc đọc và thời khắc cuối ngày cho việc xem. Hai thói quen này giúp tôi khởi động một ngày với cảm hứng ngôn ngữ và kết thúc một ngày với cảm hứng hình ảnh. “Xem chữ, đọc hình” – nhan đề cuốn sách đầu tay của tôi (xuất bản năm 2005) không ngờ lại “ám” tôi lâu đến vậy và cũng là nguồn năng lượng để tôi theo đuổi công việc viết lách, nghiên cứu toàn thời gian. Đến bây giờ, sau gần 20 năm làm báo, tôi có thể khá tự hào để nói rằng, tôi hoàn toàn sống thoải mái bằng nghề viết mà không phải làm thêm bất kỳ nghề nào khác.
Những bộ phim phản tỉnh, tự vấn
Trong số 101 bộ phim, bộ phim nào khiến Lâm phải “suy ngẫm” thật kỹ, và “đắn đo” khi viết?
Khoảng 20 bộ phim trong số này. Đây là những bộ phim tôi yêu thích nhất. Một vài phim trong số đó là những bộ phim gắn liền với những ký ức ấu thơ; một số gắn bó với tuổi trưởng thành bắt đầu bước vào nghề báo và một số phim gần đây. Đó có thể là những bộ phim kinh điển, những bộ phim có cái nhìn “phản tỉnh” “tự vấn” trong thời Đổi mới hay những bộ phim có nhiều tìm tòi trong cách thể hiện; nhưng điều cuối cùng mà tôi thích nhất ở những bộ phim này là tâm hồn và bản sắc của con người Việt Nam được thể hiện rõ nét nhất, không trộn lẫn với bất cứ nền văn hóa nào khác.


Tạm kể ra đây một vài bộ phim mà tôi viết kỹ nhất: “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Thương nhớ đồng quê”(Đặng Nhật Minh), “Xích lô”, “Mùi đu đủ xanh” (Trần Anh Hùng), “Cánh đồng hoang” (Hồng Sến), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (Hải Ninh), “Đời cát” (Nguyễn Thanh Vân), “Ba mùa” (Tony Bùi), “Mùa len trâu” (Nguyễn Võ Nghiêm Minh), “Bi đừng sợ” (Phan Đăng Di), “Sống trong sợ hãi” (Bùi Thạc Chuyên)…
Những diễn viên nào mà Lâm cảm thấy vai diễn của họ gắn với xã hội thời kỳ đó và thân phận con người?
Trà Giang với những bộ phim điện ảnh trong thời chống Mỹ. Ở bà tỏa ra một nguồn năng lượng thật mạnh mẽ và kỹ thuật diễn xuất thượng thừa. Chị Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm và chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên là hai vai diễn xuất sắc nhất của bà.
Lê Vân với chị Dậu và chị Duyên (Bao giờ cho đến tháng Mười) là nữ diễn viên mà tôi ngưỡng mộ nhất. Ở chị toát ra một thứ khí chất mê hoặc người xem. Lê Vân là nữ diễn viên đẹp nhất mà tôi chứng kiến trên màn ảnh, nhưng chị lại vào vai những người phụ nữ Việt Nam thuần hậu, nhuần nhị và mang tâm hồn Việt Nam nhất mà tôi biết.
Như Quỳnh – nữ diễn viên đi xuyên qua các thời kỳ điện ảnh mà vẫn đẹp, vẫn hiện đại. Hồng Ánh – với những vai diễn nữ tính, giàu bản năng, vừa chịu đựng, bị trói buộc bởi những thứ lề giáo (vô hình) hà khắc, vừa là những người đàn bà dám vượt thoát và dám sống với bản ngã của mình… Đó là những nữ diễn viên, những “nàng thơ” đẹp nhất đại diện cho những thời kỳ điện ảnh khác nhau và cũng thể hiện đẹp nhất thân phận của con người Việt Nam trên phim.

Đạo diễn nào xuất sắc nhất làm Lâm thấy nể phục?
Đặng Nhật Minh và Trần Anh Hùng. Hai người hai phong cách khác nhau. Một người theo “chủ nghĩa hiện thực”, một người theo “chủ nghĩa hình thức”. Họ rất khác nhau nhưng lại là hai đạo diễn đi đến những đỉnh cao nhất trong phong cách nghệ thuật của họ và sáng tạo ra những bộ phim hay nhất của điện ảnh Việt Nam.
Những người viết kịch bản nào khiến Lâm thấy họ không nhạt nhẽo và quả là những người có “tâm”, có “tầm”?
Trong phim tài liệu, tôi thích con người nghệ sĩ/ trí thức của đạo diễn Trần Văn Thủy. Ông đồng thời cũng là biên kịch cho những bộ phim của mình. Những cái nhìn phản tỉnh, phản biện sâu sắc về thời cuộc, về con người, về lịch sử, về văn hóa… trong hai bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”, đến bây giờ sau hơn 30 năm vẫn rất mới mẻ và đầy tính thời sự.
Đặng Nhật Minh, một đạo diễn – tác giả (auteur) thực sự hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam khi ông luôn là người tự viết kịch bản cho các bộ phim do mình đạo diễn. Ông cũng là người hiếm hoi dám đi “ngược dòng”. Khi thế hệ của ông đang nói về “chúng ta”, ông nói về cái “tôi”. Khi những đồng nghiệp của ông tuyên truyền và ca ngợi lý tưởng, ông là người dám phá vỡ những “lý tưởng” đó.
Một vài biên kịch sau này mà tôi cũng thích, nhờ luôn quan tâm đến thân phận của những con người nhỏ nhoi, bên lề – như biên kịch Nguyễn Quang Lập (Đời cát, Thung lũng hoang vắng) hoặc có những tư tưởng hiện đại, mới mẻ như Phan Đăng Di trong những bộ phim “Không có truyện” sau này (Chơi vơi, Bi đừng sợ, Cha và con và…).
Sau dự án điện ảnh – sẽ là văn chương
Hình như không phải lúc nào người phê bình phim cũng được đón nhận, mà có nhiều dư luận trái chiều. Lâm thì sao?
Không nhiều, nhưng cũng không ít. Tôi coi đó là chuyện hoàn toàn bình thường và lành mạnh.
Nếu tái bản, Lâm sẽ bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung nào?
Một vài thông tin chưa chính xác mà tôi nhận được từ các đạo diễn, nhà sản xuất… đã được tôi ghi chú cẩn thận cho lần tái bản sắp tới.
Một vài bộ phim hay nhưng tôi chưa có điều kiện để xem và tất nhiên là cả những bộ phim mới đáp ứng được tiêu chí của cuốn sách. Trong lần tái bản gần nhất, có thể tôi chỉ chỉnh sửa thông tin và biên tập một vài lỗi chính tả, diễn đạt. Còn đợt tái bản có bổ sung và thay đổi danh sách phim thì chắc là sau 3-5 năm.
Một lời chia sẻ đối với ai làm sách phê bình, khảo cứu giống như Lâm đang làm – nếu không được nguồn tài trợ, hỗ trợ nào, thì liệu cứ nên lao đầu vào làm trong “sự túng thiếu của vật chất” nếu cũng bỏ làm như Lâm để viết sách hay không?
Kinh nghiệm của tôi là không tập trung toàn bộ thời gian và sức lực cho một dự án nào. Cách làm việc này vừa khiến ta kiệt sức, chản nản, vừa không có nguồn thu nhập ổn định. Công việc làm báo và viết lách tự do, tham gia một số dự án truyền thông và thậm chí làm KOLs, người đại diện… giúp tôi có thể sống thoải mái và không bị áp lực khi bắt tay vào dự án cá nhân của mình.
Một chút về dự án sắp tới?
Một cuốn khảo cứu về điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975. Đây là một dự án “khó”, nhưng tôi muốn thực hiện vì chúng ta còn biết quá ít về điện ảnh Sài Gòn giai đoạn này và nó có nguy cơ bị vùi lấp và biến mất vĩnh viễn.
Một cuốn chân dung về những nghệ sĩ, những “nàng thơ” của điện ảnh Việt Nam vì tôi thấy họ còn quá nhiều nỗi ưu tư, nhiều đam mê muốn cống hiến và nhiều ký ức rất đẹp về điện ảnh thời họ đang sống.
Sau hai dự án điện ảnh này, có thể tôi sẽ chuyển hướng sang văn chương với một cuốn tiểu thuyết có hơi hướng tự truyện về gia đình mình.
Thật tuyệt. Cảm ơn Lâm về những sự chia sẻ trên!
Codet Hanoi (thực hiện)