
Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Ước ngày ngày chèo thuyền & viết sách cho trẻ con
Nhà báo Phạm Trung Tuyến (Lão Phạm), Phó GĐ kênh VOV Giao thông quốc gia, Đài tiếng nói Việt Nam nối tiếng với những bài viết sắc sảo, có sức ảnh hưởng rộng lớn và nổi danh là một cây bút “khó lường”. Ngoài ra, anh còn là một ông bố chăm con theo chiều hướng khá tự nhiên.
Học văn kém nhưng tưởng tượng giỏi
Này, hồi nhỏ, có bao giờ anh thể hiện tài năng viết lách của mình một cách làm cho người nhà cũng phải “ái ngại” không?
Hồi nhỏ, tôi học môn văn rất kém. Thậm chí cô giáo dạy văn cấp 3 còn tuyên bố rằng sau này dù cậu có làm giám đốc thì muốn viết cái đơn cũng phải đi thuê người ta viết. Bạn bè tôi đến giờ vẫn trêu tôi chuyện đó. Mặc dù vậy, có lẽ tôi đã từng là một thằng bé rất giỏi tưởng tượng và kể những câu chuyện tưởng tượng như thật.
Có những mùa hè, lúc 7, hay 8 tuổi gì đó, tôi bị nhốt trong nhà không cho ra ngoài lang thang cùng lũ bạn. Buồn quá, tôi ngồi bên cửa sổ kể chuyện cho bọn trẻ con hàng xóm nghe, và mùa hè đó, cửa sổ nhà tôi lúc nào cũng có mấy đứa trẻ ngồi chơi để nghe tôi kể chuyện. Đến bây giờ, việc kể chuyện vẫn là một thói quen của tôi để vượt qua những khoảnh khắc cô đơn.
Kha khá người cho rằng Phạm Trung Tuyến là một tay “khó lường”. Viết lách “thiên biến vạn hóa”, anh nghĩ thế nào?
Tôi không nghĩ thế bởi tôi thấy mình rất dễ lường. Tôi thường biết chắc mình sẽ viết thế nào, sẽ có quan điểm ra sao trước mọi vấn đề. Cái gọi là “thiên biến vạn hóa” thực ra chỉ đơn giản là tôi ngại lặp lại những điều đã viết trước đó mà thôi.
Có lẽ tôi thuộc về những người thích anh viết hoài niệm thi thoảng đá xéo tí hiện thực, hình như điển hình của lối viết… Bắc Hà?
Tôi không để ý nhiều về phong cách viết của mình, không mấy quan tâm nó thuộc lối viết nào, trường phái nào. Mọi người thấy tôi viết hoài niệm mà thi thoảng có những chi tiết hiện thực cũng là điều bình thường thôi. Ai đó đã từng nói nhà báo là thư ký của thời đại, điều đó rất đúng.
Một nhà báo kể một câu chuyện cũ thì không thể chỉ đơn thuần là một câu chuyện cũ, không thể không có bóng dáng của hiện thực cuộc sống. Tôi nghĩ mọi nhà báo, nếu thực sự tôn trọng công việc của mình, tôn trọng nghề nghiệp, và ý thức về vai trò, phận sự của một nhà báo thì sẽ có cùng lối viết đó, chỉ khác nhau về kỹ năng, khả năng diễn đạt mà thôi.
Có ai đã dùng tiền để tác động bài viết “nguy hiểm” của anh hay chưa?
Làm báo hơn 20 năm, không thể không có những tình huống như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tôi không quá nguy hiểm để phải đối mặt với những tác động đủ mạnh khiến tôi phải thay đổi các quan niệm sống, hay nguyên tắc nghề nghiệp của bản thân mình. Tôi dễ bị tác động bởi tình cảm và tri thức hơn.
Anh đã từng “ăn gạch đá” nhiều vì một vài chủ đề đã viết hay chưa?
Dĩ nhiên, khi bạn nêu quan điểm về một vấn đề nào đó, sẽ có những người đồng tình, nhưng cũng sẽ có những người phản ứng. Đó là điều bình thường của cuộc sống và tôi không để tâm lắm tới cái gọi là “gạch đá của dư luận” khi mình tin tưởng vào quan điểm của bản thân. Nếu ngại “gạch đá”, tôi nghĩ, tốt nhất là không nên có quan điểm gì.
Tìm lý do để nấu ăn là một niềm vui
Trở lại chuyện… đời thường, anh là một người cha thế nào trong mắt bọn trẻ?
Có lẽ bọn trẻ nhà tôi sẽ nhìn tôi như một ông bố vụng về và đa nhân cách. Vừa khó tính, vừa nhảm nhí, vừa trách nhiệm, vừa mải chơi.
Nếu công việc chưa hoàn thành mà con cái có vấn đề, anh chọn cái gì?
Tôi sẽ cố gắng biến vấn đề của con cái thành một khía cạnh trong công việc của mình. Tuy nhiên, việc đó không phải bao giờ cũng dễ dàng, vì thế tôi thường cố gắng chia sẻ với các con về tính chất công việc của mình để chúng hiểu và học cách chung sống vui vẻ với một ông bố đam mê công việc.
Nhiều người cho rằng, có khi nếu Tuyến không “Bếp Phạm” thì Tuyến sẽ sì trét nặng đấy! Anh nghĩ sao?
Tôi nghĩ mọi người nhìn nhận khá chính xác về hiện tượng của làng ẩm thực Việt Nam thế kỷ 21. Gần 10 năm trước, số phận đẩy tôi vào một hoàn cảnh mà buộc phải đối diện với việc phải tự nấu ăn hàng ngày, trong khi trước đó thậm chí tôi còn không biết phải bật cái bếp gas như thế nào.
Hồi đó, bà mẹ vợ tôi cứ suốt ngày giục tôi lấy vợ, với lý do: “Mày phải lấy vợ để có người nấu cho mà ăn, cho con cái mày ăn chứ! Cứ cơm đường cháo chợ thì bọn trẻ lớn làm sao?”. Tôi nghĩ thà là mình phải tự nấu ăn còn hơn là lấy vợ, nên trả lời: “Nấu ăn thì có gì khó chứ! Con tự sẽ nấu!”. Với xuất phát điểm như thế, tất nhiên các món ăn tự nấu của tôi rất tệ, việc nấu ăn đối với tôi là một thứ khổ sai. Nhưng không thể nào không vào bếp, vậy tôi phải làm sao?
Tôi phải tìm một lý do nào đó để khiến việc nấu ăn trở thành một niềm vui. Thế là tôi cố gắng tìm kiếm những chi tiết để kể những câu chuyện thú vị về chuyện nấu ăn của mình. Kết quả là tôi tự ám thị thành công, tự tin mỗi món ăn mình nấu ra đều là cực phẩm của thiên hạ, và tôi trở nên thích công việc nấu ăn, coi nấu ăn như một cách giải trí để cân bằng cuộc sống.
Một người đàn ông ham nấu nướng hình như “bị” kỹ tính. Anh có vậy không?
Tôi rất kỹ tính với những việc đã xác lập là trách nhiệm, còn những điều thuộc về lựa chọn cá nhân thì rất dễ tính.
Một mình chăm con, có điều gì anh không làm được cho con không?
Ôi, có lẽ tôi không thể liệt kê đầy đủ cho câu hỏi này. Tôi chỉ có thể cố gắng làm tốt nhất có thể mọi điều cho con cái, nhưng dù cố đến mấy thì cũng rất khó để đáp ứng mọi điều mà bọn trẻ cần từ cha mẹ chúng…
Ước mơ trong hiện tại của anh là gì?
Ước mơ lớn nhất của tôi là bọn trẻ con trưởng thành, và tôi sẽ nghỉ hưu để tận hưởng một cuộc sống đơn giản trong một ngôi nhà nhiều cây xanh bên bờ sông nào đó, ngày ngày chèo thuyền và viết sách cho trẻ con. Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn trong hiện tại thì tôi không có một ước mơ nào cụ thể, chỉ là những cố gắng thôi.
Xin chân thành cảm ơn anh!
Codet Hanoi (thực hiện)