
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Bây giờ tôi còn khùng hơn xưa
Sau tập truyện ngắn “Bóng đè” gây sock trong văn đàn Việt Nam, Đỗ Hoàng Diệu gần như biến mất. 11 năm sau, cô mới trở lại với tiểu thuyết “Lam Vỹ” – một tác phẩm ma mị đầy ám ảnh với dòng tâm thức đầy đau đớn của một cô gái. Nhận mình là người “âm lịch”, thích tham quan các nghĩa địa, có lẽ điều ấy cũng tạo nên tính cách “hiện thực huyền thoại” cho các nhân vật nữ của Đỗ Hoàng Diệu.
PV: Điều gì khiến chị – một trong những nữ nhà văn sắc sảo lại cứ khăng khăng tự nhận mình là người âm lịch?
Đỗ Hoàng Diệu (ĐHD): Khách quan mà nhìn rồi cân đo đong đếm, phần hình thức của tôi hỏng. Mặt vuông, trán dô, miệng móm, vai ngang. Chỉ có đôi mắt tàm tạm. Tổng thể các khiếm khuyết ấy kết hợp lại, tạo thành một mụ là lạ, bất bình thường. Có lẽ chính cái thần thái không bình thường, là lạ ấy làm nhiều người nhầm, tưởng tôi cũng được. Và cũng chính cái là lạ ấy là phần âm lịch trong con người tôi. Có nhiều thứ rất khó giải thích. Tôi chẳng mê tín dị đoan, luôn phản bác chuyện bói toán ma mãnh âm dương phù hộ độ trì này kia, nhưng đôi khi sống trong đời sống như một hồn ma. Thích ngồi một mình tưởng tượng ra thế giới các linh hồn sau khi chết, thích đọc văn học hiện thực huyền ảo và tham quan nghĩa địa.
Chị có sở thích thật dị biệt, sang nước ngoài sống, chị đã thích nghi thế nào?
Tôi nghĩ nó nặng hơn. Bởi cuộc sống tha hương dù đủ đầy dù hạnh phúc vẫn đơn côi. Nói thì “sến” nhưng đúng là có cái gì đó thuộc về máu thịt. Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Người đi xa thường hoài niệm. Hoài niệm thì hiếm khi ảnh hình rực rỡ. Chỉ không gian bàng bạc, những ký ức miên man, người cũ vật vờ và các mảnh thương đau. Tựu trung, bệnh càng ngày càng nặng.
Suốt 6 năm, giữa nước Mỹ, tôi vẫn dùng chiếc Iphone đời cũ nhất, về Việt Nam thì Nokia cục gạch 300 ngàn. Dù với dịch vụ nhà mạng, tôi chỉ cần bước ra cửa hàng là có ngay Iphone mới nhất mà kinh phí chưa bằng cước taxi hai chiều Nội Bài – Hoàn Kiếm. Tôi cảm thấy mình không có nhu cầu tiếp cận công nghệ mới. Du lịch đây đó tôi cũng không khoái cho lắm, dù cơ hội luôn luôn có sẵn, dâng đến tận chân. Nhiều lần, bị bắt buộc, tôi bay đến đâu đó rồi ở lỳ trong khách sạn đọc sách, mặc những người thân tung tăng khám phá.
“Những nỗi buồn đã khiến tôi sống đẹp tới ngày hôm nay” – quả thực, đọc những gì chị viết, và trên FB hình như, đa số đều có những nỗi buồn bàng bạc và đầy hoài niệm. Có phải đây là tâm trạng của những người sống xa quê hương?
Tôi không nghĩ vậy. Đơn cử nhiều bạn bè tôi ở đây vẫn vui tươi tận hưởng cuộc sống xứ tự do thiên đường từng giây từng phút. Di cư, hoàn cảnh sống thường thay đổi tâm tính, cách ứng xử của con người. Điều đó đúng, nhưng chỉ với từng người. Tôi ương bướng trong tất cả mọi chuyện, thành ra Thanh Hóa, Hà Nội, miền Tây hay miền Đông nước Mỹ cũng chẳng khiến tôi buồn thêm hay hơn hớn lên. Bước giữa đại lộ số 5 nhộn nhịp của New York, tôi khó thở, buồn bực, muốn xỉu. Về tới nhà, vùng nông thôn Ohio nhỏ bé, an bình, ngồi ngắm vòng tròn tế lễ xa xưa của người da đỏ, tôi hạnh phúc.
Lúc nào cũng cảm giác chị trong một tâm thế của một người luôn phải kìm nén nội tâm, và chính vì thế, khi viết ra giống như được xả. đọc cái nào cũng thấy ngùn ngụt như lửa?
Theo tôi, trưng mình ra đời, con người chúng ta chia ra ba kiểu sống. Một kiểu cố gồng lên, nở ra từ cái lõi bé tý. Kiểu này cũng có mặt tích cực. Phải luôn nạp năng lượng, luôn tìm cách đi đúng giờ đúng hướng. để cái bóng mình phình to hơn, dù bóng đen hay bóng sáng. Kiểu thứ hai nhẹm mình đi, sống trong đời với/như là một nhân cách khác. Cuối cùng là kiểu thiên nhiên bản năng, sống như chính mình. Kiểu này bây giờ hiếm, gần như tuyệt chủng.
Tôi, trong đời sống – các mối quan hệ xã hội là loại dở dở ương ương, nở ra hay thu lại tùy cảm xúc, thời điểm, tính chất. Trong văn, có lẽ tôi thật hơn.
Con cái bận rộn có bao giờ khiến chị muốn viết lách mà phải vì chăm con nên ngưng viết không?
Nếu lấy con cái ra làm cớ che đậy cái sự lười thật không phải. Nhưng đúng là mười năm qua nhiều lúc cơm nước bỉm sữa cũng ngăn tay gõ. Ở Việt Nam còn có thể trông cậy người giúp việc, phụ nữ sống bên này tự làm tất. Sinh mổ, ở bệnh viện hai hôm, ngày thứ ba về nhà là tôi xắn tay, từ dọn nhà cho tới tắm đứa lớn đứa bé, sáng sớm cho đứa bé bú xong thì chuẩn bị đồ ăn cho đứa lớn tới trường. Khái niệm kiêng khem không hề tồn tại. Đàn bà Việt Nam, khổ nhiều thứ nhưng riêng chuyện nằm ổ sướng nhất thế giới, sướng không ai bằng.
Cũng may công việc chính của tôi chỉ là nội trợ, chưa đến nỗi phải “quanh năm buôn bán ở mom sông”, nên mang tiếng bận rộn nhưng đã thấm vào đâu với người ta. Tóm lại, ít viết chỉ là vì lười hủi.
Một Diệu của “Bóng đè” khi chưa có gia đình, chưa con cái, với một “Lam Vỹ” đã trải qua biến cố “chửa đẻ” nuôi con, của phận đàn bà, có gì khác nhau?
Hồi con gái, yêu là yêu thế thôi chứ tôi thừa hiểu chả ma nào muốn rước mình. Lấy tiêu chuẩn công dung ngôn hạnh ra làm thước đo, tôi không có tẹo nào. Ba mươi tuổi mà đến đổ nước cắm nồi cơm điện cũng chẳng biết làm. Đứa con gái coi trời bằng vung, bướng bỉnh và hay khóc thời “Bóng Đè” giờ đã khác xưa. Như ngàn triệu bà mẹ trên đời, làm gì bây giờ tôi cũng nghĩ đến con. Tất nhiên cái gì thuộc về bản chất chắc chắn không thay đổi, tiêu biểu là tính khùng. Hình như bây giờ tôi còn khùng hơn xưa.
Một điều nữa, bạn đọc tinh ý có thể nhận ra. Thời “Bóng Đè”, các nhân vật nữ của Diệu đa phần đang sống trong bi kịch. Bây giờ, với Lam Vỹ, nhân vật thường đã trải qua bị kịch và bằng cách nào đó đã thoát, ngồi kể lại câu chuyện.
Xin chân thành cảm ơn chị.
Codet Hanoi (thực hiện)