
Nhà văn Lê Minh Hà: Nỗi nhớ bảo vệ mình không bị vong thân!
Cuộc đối thoại đầy thú vị từ chuyện văn, tới chuyện đời – giữa người viết và nhà văn Lê Minh Hà (hiện chị đang sống cùng gia đình tại Đức). Lê Minh Hà luôn tạo cho người đọc một cảm giác như một người đàn bà nhẩn nha, thơ thẩn với nỗi nhớ xa xăm, cái sự muộn phiền và cả nỗi niềm đau đáu “Con chữ nào như rạ khô giữ lửa?” nhưng luôn được định vị bởi một sự điềm tĩnh hiếm thấy!
LẤY CHỒNG LÀ VƯỢT BÃO
Phóng viên (PV): Kể ra nhảy vào hỏi đùng đùng 1 câu cũng đùng đùng thì thật là… “Nhà văn Lê Minh Hà dại trai khi theo chồng sang Đức?”. Cơn cớ gì mà các báo chí đã giật title như vậy về chị, thưa chị?
Lê Minh Hà (LMH): Câu bạn hỏi cũng là câu tôi tự hỏi đấy: cơn cớ gì mà các nhà báo lại giật title hay đến thế: “Nhà văn Lê Minh Hà dại trai khi theo chồng sang Đức?”. Trong toàn bộ ngữ cảnh từ cuộc nói chuyện, tôi chả nói gì về sự dại trai khi ton tót theo chồng sang xứ người làm oshin không lương cả. Tôi tự nhận làm thế là mình dại dai, diễn đạt theo cách khác là dốt bền ấy ạ. Từ dại dai, nói bằng giọng Hà Nội, không phân biệt d với gi, thành ra một phẩm chất vô cùng đáng qúy đối với phụ nữ là dại giai, bớt nôm na ra dại trai. Haiza, điều này chỉ có thể giải thích bằng sự hài hước và yêu mến của các nhà báo, chắc chắn là hài hơn tôi và yêu tôi hơn cả tôi.
Sang Đức, và sống định cư, liệu đó có phải là một sự thay đổi lớn nhất đời chị?
Ồ không, thay đổi lớn nhất của đời tôi là lúc quyết định thôi làm con gái, lấy chồng và thành đàn bà, xo rụi với đủ thứ toan lo vặt. Rất thật đấy! Bạn phải biết ngày xưa tôi vô tư chơi với một đống bạn khác phái nhưng không hề có ý định lấy chồng, vì nhầm lẫn cho rằng làm vợ ai thì cũng sẽ mất tự do, đã yếu sẵn lại còn tự tước đoạt tự do thì hại lắm. Mà nói như đương kim chồng tôi bây giờ, bọn tôi là những kẻ… ràng buộc với cái gì cũng sợ, đành ràng buộc với tự do.
Với chị, có bao giờ phải vượt bão?
Nhiều chứ. Ai trong đời chỉ phải trải qua độc một biến cố thì may mắn quá. Suốt đời tôi phải vượt bão theo nghĩa đen: cứ sắp bão là lăn ra ốm, ốm rất nặng, tôi tự coi là ốm đón bão, y như một nghi thức vậy. Tôi mà sống ở nhà thì mọi người chỉ cần nhìn tôi là khỏi phải nghe tin thời tiết, báo sớm và chính xác có khi còn hơn cả Nha khí tượng.
Thể chất ọp ẹp này đặt tôi vào thế luôn phải ngồi một chỗ mà xông pha. Qua đủ thứ éo le mà giời đất, gia cảnh, tính cách riêng tạo ra. Bao nhiêu lần đi qua các kì thi suốt thời đi học là bấy nhiêu lần vượt bão. Từ bỏ những ham muốn thú vị nhưng không cơ bản là vượt bão. Lấy chồng là vượt bão. Làm việc, cách này hay cách khác cũng vậy.
LỰA CHỌN SỰ THỰC NÀO ĐỂ NHỚ, ĐỂ SÂN HẬN, HAY ĐỂ YÊU THƯƠNG?
Đọc “Còn nhớ nhau không”, cái nỗi nhớ mang sự điềm tĩnh hiếm thấy và ít ai trong số nhà văn nữ có được sự ung dung như chị?
Điềm tĩnh đến cùng trong mọi xúc cảm là cái tôi muốn đạt tới, và nhờ vậy mà nhiều khi tôi may mắn được bạn đọc hiểu nhầm là hiền! Nhưng ngoài ra cũng có thể đó là bàn tay xoa vuốt của thời gian và không gian thời gian cách biệt đã vặt đi những cái không đáng, đưa lại cho ta những phiên bản sự thực từng sống qua với độ chân xác mới. Ngoài ra, cách mà tôi muốn chọn cho mình những sự thực nào để nhớ, để phẫn hận hay là yêu thương, thế thôi.
Chị còn có cuốn “Thương thế ngày xưa”, một cuốn sách thẫm đẫm hương vị ẩm thực với nỗi nhớ của người tha hương và những con chữ đau đáu, nhưng vượt trên nó, là một sự day dứt về quê hương…
Bạn biết tôi viết những dòng này khi tôi lên mấy không? 32 tuổi, liệu có phải là cũng trong độ tuổi mà bạn xếp vào lớp trẻ? Khi đó tôi vừa qua Đức, vừa trải qua một cú schock vì những điều trông thấy, không bao giờ hình dung thấy khi ở quê nhà, và tuyệt vọng, và cái làm cho tôi vẫn cảm thấy mình là mình chính là nỗi nhớ. Nỗi nhớ bảo vệ mình không bị vong thân. Thiếu nó thì y như đang ở trạng thái chân không vậy. Nếu sống từng ngày với nhịp cũ, sẽ khó biết được hình thù lớn lao của nỗi nhớ, cũng như khó nhận ra phom dáng của những đổi thay, nói thật là nhiều lúc cũng cấn – mắt – cấn – lòng phết!
Thế nhưng cũng đầy bất ngờ ở cuốn “Này bọn mình rất đẹp”, lại như một bộ sưu tập thu nhặt những bài viết về các trạng thái tâm lý của đàn bà. Nào chồng, con, nào ghen tuông, ly dị, chia tay, nào thủy chung, ngoại tình?
Cũng rất thành thực: tôi không lấy quy ước về nỗi khổ của mình để nhận diện chị em bạn gái đâu. Rất có thể sống như chúng ta những người phụ nữ tưởng chừng đang rất khổ kia mới cho là khổ. Và đã chắc gì những người phụ nữ có vẻ như thành đạt đủ đường lại thực sự hạnh phúc. Vâng, cuối cùng vẫn là chọn lựa riêng, ai cũng sống theo chọn lựa mình cho là hợp nhất với mình ở từng thời điểm. Có điều nói ra điều này cần một ý thức nhất định về sự trung thực, cần khả năng dám đối thoại với chính mình.
Tôi chỉ có thể thông cảm cho nỗi lao đao của chị em, nhân danh bất kể cái gì cũng được, kể cả sự nặng tình, khi đó là những phụ nữ bị trói buộc trong vòng vây kinh tế và các khế ước kiểu làng xã. Nói thật là xót xa, và cần phải giúp họ vạch rào, tìm đường, chống, vượt, qua những cơn bão đời kiểu vậy.
CUỘC SỐNG LÀ CỦA MÌNH CƠ MÀ!
Thế còn chị? Tôi đọc thấy câu đại loại nếu chị thấy chồng mà có…“léng phéng” thì chắc chị sẽ “uống thuốc”, hoặc xách con lên mà chạy? Cũng quyết liệt đấy chứ thưa chị?
Aha! Đừng tin! Đấy là “tôi” nói, không phải Lê Minh Hà. Nhân vật “tôi” của Lê Minh Hà đang bức xúc trước các nỗi niềm của chị em bạn gái online đấy mà. Sao phải giữ chồng, níu chồng, trói chồng bằng đủ kiểu mánh khóe từ dỗ tới dọa nhỉ? Cuộc sống là của mình cơ mà, có chồng có vợ thì là thêm, có thì vẫn thế, với niềm vui, nỗi khổ, trách nhiệm. Nếu vợ hay chồng mình có bồ thì hãy nghĩ về họ như một con người bình thường, đừng bắt họ mặc cái áo chồng hay vợ mình cả đời khi họ muốn cởi. Cũng có những người lại thích mặc cái áo có gia đình rồi ra ngoài bồ bịch, tôi mà là vợ hay chồng họ, tôi bắt cởi ngay và luôn, hoặc đơn giản hơn, tôi tự tìm cho mình một cái áo khác.
Như một bạn đọc đọc đủ thứ, tôi càng không cho việc ai đó sống ngoài chồng ngoài vợ là một bi kịch gì của ai ngoài cuộc, ngoài sự đó là bi kịch của chính họ và rất nhiều khi văn học nghệ thuật nhờ thế mà cào được một vết không quên nổi trong trí người thưởng lãm đấy.
Bạn chắc không biết ngoài đời tôi là một phụ nữ ngại chồng thế nào đâu! Bạn cũng không biết trong ba mươi năm lấy nhau vợ chồng tôi có một năm xa nhau nhỉ? Khi đó, gọi điện cho nhau, tôi từng xúi chồng tìm bạn gái đấy, vì tôi biết quá rõ thói quen sống của bạn ấy. Hai nỗi cô đơn gộp vào thì chỉ còn là một nỗi cô đơn, không phải lúc nào cũng là dở. Nếu chồng tôi làm được điều đó thì tôi đã không phải trả lời bạn từ xa thế này!
Hiện tại, chị thấy cuộc sống của mình như thế nào?
Tôi là một người đàn bà không còn trẻ, đúng rồi, nhưng không chắc nhiều hoài niệm hơn người. Khác chăng chỉ là tôi lấy hoài niệm ra làm nguyên liệu, nhào nặn thành cái giúp tôi biểu đạt tốt nhất cách tôi nhìn hiện thực đang sống. Người đàn bà ấy cần gì ư? Bình yên! Dĩ nhiên rồi. Nhưng đôi khi bình yên đồng nghĩa với tầm xoàng, nhàm tẻ. Tôi muốn gì ư? Không phải là một ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa, không! “Ta cứ muốn hồn ta như cánh cửa – Không sao yên khi gió tới chân trời“. Đấy, tôi muốn đúng cái điều ông nhà thơ ông ấy muốn đấy. Nhiều không?
Rất thú vị. Xin chân thành cảm ơn chị và hẹn chị một cuộc đối thoại khác.
Nhà văn Lê Minh Hà đã có 8 năm giảng dạy tại trường PTTH Hà Nội – Amsterdam. Một số tác phẩm của chị: “Trăng góa” (Mỹ, năm 1998); “Gió biếc” (Mỹ, năm 1999), “Thương thế, ngày xưa…” (tản văn, Văn Mới, Mỹ, năm 2001), “Gió tự thời khuất mặt” (2005), “Thương thế ngày xưa & Những giọt trầm” (2005), “Sâm cầm” (tập truyện ngắn, in chung với Phạm Hải Anh, NXB Phụ nữ, Hà Nội 2004), “Truyện cổ viết lại” (in chung cùng Lê Đạt, NXB Trẻ, TP HCM 2006)… “Những cuộc gặp gỡ không ngờ“, “Phố vẫn gió“, “Còn nhớ nhau không“, “Chơi nhiều hết mệt“, “Tháng ngày ê a“ (2017).
Codet Hanoi (thực hiện)