
Nhà văn Mai Lâm: Cảm giác mình không thuộc về đâu
Mai Lâm sáng tác nhạc, nhưng anh hình như không đứng trong đội ngũ nhạc sỹ, Mai Lâm sáng tác văn, nhưng anh hình như không trong tổ chức hội Nhà văn… Anh đơn thuần, là một kẻ chơi. Ở Mai Lâm, toát lên tinh thần của những gã trai phố cổ như trong văn Nguyễn Việt Hà. Có một chút hào hoa, phong nhã, một chút lịch thiệp, giễu cợt mà tài tử. Làm nhiều nghề, chơi nhiều thứ, cái gì cũng biết, cái gì cũng hay, chỉ có mỗi cái kiếm tiền… là dở vì hình như một “kẻ ham chơi và vô tích sự” thì sẽ khó… kiếm được nhiều tiền. Nhẩn nha vậy thôi, nhưng văn của Mai Lâm rất ấm, và cái tình của Mai Lâm mặn.
Viết làm cuộc sống của tôi đỡ buồn tẻ
Mai Lâm, sau khi xuất bản tới 5 cuốn sách từ tháng 10 – 2014 đến tháng 12 – 2017 anh thấy điều này có “bất thường” không?
– Đúng là tôi đã viết 5 cuốn sách trong một thời gian ngắn, nhưng điều đó chỉ nói lên rằng tôi đã giảm hứng thú hoặc không có điều kiện để tiếp tục chơi âm thanh hoặc sưu tầm đồ cổ, đồng hồ, tranh, tượng, mặt nạ và vô vàn thứ đồ chơi như trước kia chứ không vì duyên hạnh ngộ gì cả.
Tôi viết, hoàn toàn như một trò chơi mình yêu thích. Nói như vậy không có nghĩa là coi thường văn chương mà ngược lại. Tôi nghĩ nhà văn không chỉ là người kể chuyện, mà còn là người thông qua điều mình viết lay động được đến tận tâm hồn và tư tưởng của người đọc. Tôi không làm được điều đó. Những tác giả và tác phẩm như vậy cũng không nhiều.

Công việc viết đã đem lại cho anh điều gì quan trọng nhất?
– Nó làm cho cuộc sống của tôi đỡ buồn tẻ và bạn đọc tôi mỉm cười.
Phải chăng đó là chút cô đơn như Nguyễn Việt Hà đã viết: “Dù có kể những chuyện mưu sinh xa tít ở Đức, những chuyện nhếch nhác lô đề cờ bạc vỉa hè thì nỗi niềm vẫn buốt nhói cô đơn về phố?”… Tôi cũng rất muốn biết tận sâu nỗi cô đơn của anh một cách chân tình nhất…
– Ha ha! Tôi là người thích bạn, ham vui. Nếu có cô đơn chắc chỉ một lúc chứ quyết không thể kéo dài đến trăm năm. Chỉ có một điều khiến tôi thường nghĩ ngợi như tôi đã từng viết là: “Để có hồn phố, trước tiên phải có hồn người đã. Điều làm nên Hà Nội và cũng đang mất dần đi cùng với phố phường, chính là con người Hà Nội”. Những nét nền nã của người Tràng An thanh lịch khó có thể tìm thấy trong cuộc sống ồn ã hỗn tạp ngày hôm nay. Ở đâu cũng có xấu và tốt, nhưng khi lòng tốt mà trở thành bất bình thường như trong những trường hợp người ta đánh cả những người vừa giúp người nhà mình gặp nạn trên đường vào viện vì cho rằng “Nếu không phải mày gây ra, sao mày lại làm thế?” thì tình trạng đã đến mức báo động. Chả lẽ không thể “bầu ơi thương lấy bí cùng”, không thể “thương người như thể thương thân” nữa sao?
Còn nếu bạn muốn biết “tận sâu nỗi cô đơn của tôi một cách chân tình nhất” thì tôi xin được trả lời: Đó là cảm giác mình không thuộc về đâu của người xa quê hương quá lâu như tôi. Đôi khi tôi đi lại giữa Việt Nam và Đức tôi cũng không biết là mình đang đi hay về nữa. Cho đến hôm nay ở Đức ngoài ba mươi năm rồi, tôi vẫn thấy mình như người ăn nhờ ở đậu mà không thế nào hòa nhập. Còn về Việt Nam ai cũng có cuộc sống, công việc của họ. Tôi cũng không có một căn hộ để treo cái tranh mình thích. Có lẽ từ vô thức mình vẫn gọi là “về Hà Nội” vì ở đó mình còn có mẹ.
Tôi hối hận
Tôi nhặt được câu này trong cuốn “Chỉ còn tuyết trắng”: “Cuốn thứ nhất vì bạn bè giục mà viết, cuốn thứ hai, vì mẹ hiền ngóng đợi mà viết…”, và đọc những dòng anh viết về mẹ, cho tới khi mẹ mất… tôi rất muốn biết cảm giác của anh trong hiện tại về mẹ?
– Hối hận. Đó là hai chữ từ hôm mẹ mất hiện ra ngay lập tức mỗi khi tôi nhớ về mẹ. Hối hận vì thường mỗi lần tôi về tới sáu tuần mà mẹ đếm được mình ăn cùng mẹ mấy bữa cơm. Hối hận vì mình đã không có tiền để mẹ còn phải lo lắng cho con trai dù nó đang ở nước ngoài. Hối hận vì đã đi giầy ngoài sân thật khẽ để mẹ khỏi gọi vào phòng “sai vặt”. Hối hận vì không biết tối nay đi ngủ mà không biết rằng sáng mai dậy không còn mẹ nữa để mà phụng dưỡng, mà bóp chân cho mẹ thêm lần nữa. Nhiều lắm! Mẹ mất rồi tôi mới biết câu “Việc báo hiếu không bao giờ nên trì hoãn” là chí lí. Nhưng biết thì đã muộn.
Sau tất cả… nếu Mai Lâm “chán” viết, thì làm sao nhỉ?
– Nếu có lúc nào như thế, đấy chính là lúc tôi đang vui sống.
Phải chăng, anh đã quên… âm nhạc? Từ xa Hà Nội là một album nhạc đầy kỷ niệm. Vậy có khi nào… sẽ có TXHN bằng nhạc Vol 2 hay không?
– Đấy cũng là một cuộc chơi. Cuộc chơi đó đã xong rồi bạn ạ!
Mai Lâm tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1971. Từ năm 1987 đến nay, anh sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức. Anh là người sáng tác lời cho các ca khúc trong Album “Thiên đường” của ban nhạc Anh em (Mỹ Linh-Anh Quân- Huy Tuấn) trong những ngày đầu thành lập. Đã phát hành 3 Album: Thiên đường (CHLB Đức), Hà Nội mùa thu sớm (tại Việt Nam), Từ xa Hà Nội (tại Việt Nam) – Mai Lâm đã cho ra 5 tập tản văn mang tên “Từ xa Hà Nội” gồm: (Từ xa Hà Nội, Xa rồi ngày xanh, Chỉ còn tuyết trắng, Bồng bềnh như có thể, Tên một giấc mơ). Đọc các tập sách này, độc giả sẽ thấy các câu chuyện về tác giả đi bán pizza, rửa bát thuê, câu chuyện với các thân phận phiêu bạt nơi đất khách, và nỗi nhớ về người Hà Nội cũ qua các chuyện đời rất chân thực.
Codet Hanoi (thực hiện)