
PGS.TS Trần Thị Thu Hà – Tâm huyết để hồi sinh những cánh rừng
Giải thưởng Kovalevskaia 2019 ở hạng mục cá nhân vinh danh PGS.TS. Trần Thị Thu Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, Trường đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên). Với những cống hiến trong việc trong nghiên cứu và bảo tồn, nhân giống các loại cây gỗ, dược liệu quý của Việt Nam mang lợi ích kinh tế cao, tư vấn và đề xuất nhiều chính sách cho ngành lâm nghiệp và quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả – Chị là nhà khoa học nghiên cứu về Lâm nghiệp đầu tiên được trao tặng giải thưởng cao quý này.
Vừa nhận giải thưởng Kovalevskaia 2019 xong, chị lại tiếp tục đến với những cánh rừng miền núi từ Lào Cai sang Cao Bằng rồi đi Bắc Kạn, tới Nghệ An, Lâm Đồng, Đăk Lak, Đăk Nông… Những chuyến đi rừng kéo dài từ nửa tháng tới vài tháng đã trở nên quá đỗi quen thuộc với chị trong suốt hơn hai mươi năm gắn bó với ngành lâm nghiệp.
Phóng viên: Thưa chị, nguyên nhân nào khiến chị chọn và gắn bó với ngành lâm nghiệp, một ngành học vô cùng vất vả và thường là chỉ có nam giới theo đuổi?
PGS. TS Trần Thị Thu Hà: Kể ra thì rất dài, bạn muốn tôi trả lời thật lòng hay trả lời để làm hài lòng người khác?
Thật ra, ngày còn học THPT tôi là học sinh giỏi lý, đã từng đoạt giải ba toàn quốc. Khi dự thi Đại học, tôi chọn thi khối A. Ngày đó, mơ ước khi dự thi khối A của tôi là được học kế toán và sau này có thể trở về làm kế toán của lâm trường.
Năm đó, khối A lấy điểm rất cao 24 điểm, trong khi tôi chỉ được 22 điểm, tôi không đỗ vào trường mong muốn. Sau đó, tôi có hai lựa chọn: một là học khóa học 2 năm cơ bản, hai là vào thẳng Sư phạm Vinh, nhưng tôi lại không thích làm cô giáo. Khi nhà trường gọi học ngành lâm nghiệp, tôi có chút buồn chán, nhưng mọi người động viên là thôi cứ học 2 năm cơ bản, học giỏi thì chuyển sang ngành khác. Hơn nữa, từ nhỏ, cuộc sống của tôi đã gắn bó với lâm trường: bố tôi là bộ đội, mẹ tôi là công nhân lâm trường ở Con Cuông (Nghệ An), nên tình yêu với cây, với rừng là có thật.
Tôi đã rất cố gắng và đạt thành tích học tập xuất sắc nhất toàn khóa trong suốt khóa học. Nhưng cũng vì thành tích xuất sắc, nhà trường không cho chuyển sang ngành học khác vì muốn giữ tôi lại làm giáo viên. Ra trường, tôi được giữ lại làm giảng viên và có cơ hội được đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.
Khi làm nghiên cứu sinh ở Úc tôi từng được 2 giải thưởng quốc tế, luận án tốt nghiệp chỉ bị sửa 1 câu. Lúc ấy tôi có điều kiện để ở lại nước ngoài làm việc, hoặc tham gia làm việc tại các tổ chức quốc tế, nhưng vì gia đình, tôi đã chọn quay về.
Mỗi người có một quan điểm sống, tôi quan niệm rằng “Sống là cho”. Còn về Phật pháp thì tôi nghĩ rằng kiếp trước mình còn nợ rừng nên kiếp này phải trả. (Cười).

PV: Chị bắt đầu thành lập Trung tâm nghiên cứu, nay là Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, Trường đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) bắt đầu từ khi nào và nhiệm vụ chính của viện là gì?
Sau khi làm nghiên cứu sinh ở Úc trở về nước, nhà trường giao cho tôi nhiệm vụ thành lập trung tâm nghiên cứu – giờ là Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, Trường đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên). Từ năm 2007- 2008 tôi bắt đầu thành lập Trung tâm nghiên cứu với mô hình tự chủ. Tôi không phải là nhà kinh tế, nhưng trước nhiệm vụ mới, tôi cũng muốn tự thử thách mình. Tôi có tính tự lập và hướng ngoại, nên cái gì tôi cũng muốn thử. Ngày tôi học ở Úc đã từng làm 13 ngề khác nhau, từ làm nail, làm đầu cho đến làm farm… nghề gì cũng thử.
Năm 2007 tôi về nước, khi ấy chữ ký tôi còn không biết ký vậy mà cũng tự đi xin đất và thành lập trung tâm tự chủ về kinh tế. Những năm đó trường giao cho tôi 150ha ở trên Đèo Khế, Tuyên Quang, mọi người nhìn ai cũng khiếp, nhưng tôi thì không … Tôi tự giải phóng mặt bằng, huy động cả công an phòng thông tin Tuyên Quang đi giải phóng mặt bằng cùng (Cười) và bắt đầu gây dựng từ đó.
Nhiệm vụ của Viện là nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và môi trường, phục vụ cho sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội trong cả nước nói chung và khu vực phía Bắc Việt Nam nói riêng.
Viện đã hợp tác toàn diện với nhiều Tổ chức, cơ quan Bộ ban ngành, Viện nghiên cứu và các trường đại học, các cơ sở sản xuất kinh doanh lâm nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực giống cây trồng, lâm nghiệp và môi trường. Đặc biệt được sự giúp đỡ về hợp tác khoa học của CSIRO của Úc về việc đào tạo nguồn lực và cung cấp nguồn vật liệu làm giống đối với cây lâm nghiệp, cho đến nay Viện đã xây dựng được các vườn giống, rừng giống, vườn đầu dòng có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu sản xuất giống chất lượng cao. Hàng năm Viện cung cấp từ 8-10 triệu cây giống chất lượng cao gồm lâm nghiệp, dươc liệu, đặc sản, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao từ nuôi cây mô tế bào, giâm hom và ghép.
PV: Là nhà khoa học nhiều năm gắn bó với rừng, theo chị đánh giá thì hiện trạng rừng của nước ta hiện nay ra sao?
Bắt đầu từ những năm 2000 trở lại đây rừng được phục hồi đáng kể. Nguyên nhân: Chính sách của nhà nước, luật bảo vệ rừng tốt hơn và ưu tiên về phát triển cộng đồng. Hai là, nhận thức của người dân về rừng đầu nguồn có thay đổi. Người dân đã phải trả giá bằng việc không có rừng đồng nghĩa với việc không còn nguồn nước, do vậy tự họ tự ý thức về việc cần quản lý và bảo vệ rừng. Thứ ba, ở những vùng núi có dịch vụ chi trả phí môi trường rừng, đó là một trong những chính sách do tôi đề xuất áp dụng, và khi thực hiện thì hiệu quả đem lại rất tốt.
PV: Chị có thể nói rõ hơn về việc chi trả phí môi trường rừng được không ạ?
Như bạn biết, nguồn cung cấp điện năng ở Việt Nam chủ yếu là từ các nhà máy thủy điện. Việc vận hành và sản xuất của những nhà máy thủy điện này phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước và vùng rừng liên quan tới nguồn nước đó. Nếu rừng đầu nguồn bị tàn phá, thì sẽ không điều tiết hay đảm bảo cung ứng nguồn nước để các nhà máy thủy điện có thể vận hành. Do vậy, tôi đã đề xuất là trích một khoản chi phí gọi là phí dịch vụ chi trả môi trường rừng cho những người dân giữ rừng. Chi phí này sẽ chi trả bằng tiền của thủy điện. Tức là khi bạn, tôi sử dụng và trả tiền điện, thì một phần từ khoản thi đó sẽ được chi trả cho những người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn.
PV: Được biết ngoài chính sách về dịch vụ chi trả phí môi trường rừng chị còn đưa ra chính sách về sinh kế rừng. Chị có thể nói rõ hơn về chính sách này được không ạ?
Từ vùng quê miền núi, tôi thấu hiểu hơn mối quan hệ hữu cơ giữa con người và môi trường sinh thái, vấn đề sinh kế của người dân gắn liền với rừng. Thu nhập chính của đồng bào miền núi là các sản phẩm phụ từ rừng như các loài rau quả rừng, các cây thuốc quý, mây tre, dược liệu quý hiếm… Trước đây, người dân chỉ biết khai thác đến một lúc nào đó không còn nguồn dược liệu quý nữa. Suốt 10 năm qua chúng tôi ấp ủ theo đuổi làm thế nào đó nhân ra được các giống dược liệu quý này. Từ những năm 1993, khi vừa mới ra trường, có cơ hội kết hợp làm việc với Viện dược liệu và Trung tâm cây thuốc cổ truyền của Đại học Dược là tôi đã có ý tưởng về việc nghiên cứu lai tạo nhân giống các giống cây dược liệu quý hiếm của Việt Nam.
Sau đó khi thành lập trung tâm thì chúng tôi cũng đã chú trọng để phát triển theo hướng đấy. Đó là một hoạt động mà chúng tôi muốn đẩy mạnh để phát triển sinh kế gắn liền với rừng.
Những nguồn gen có giá trị cao có nguy cơ bị tuyệt chủng thì tôi đem về, ứng dụng khoa học công nghệ để nhân giống, lai tạo giống, thuần hóa dần ở điều kiện bán tự nhiên, rồi thuần hóa dần để đưa ra môi trường tự nhiên.
Tùy theo điều kiện tự nhiên của từng địa phương, chúng tôi sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân vùng cao, lại vừa góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên rừng, nguồn dược liệu quý.
Để tư vấn địa phương nên phát triển sản phẩm gì, chúng tôi phải dựa trên cơ sở khoa học là trước đây nó đã tồn tại và nó phân bố ở địa phương. Với những loại có tính chất tương đồng thì tôi mang giống tới trồng thử nghiệm, nếu thấy phù hợp và có kết quả tốt thì sẽ chuyển giao. Ngoài ra, trung tâm cũng hỗ trợ để tìm đầu ra cho các sản phẩm của đồng bào để đảm bảo đồng bào có thể có được thu nhập từ rừng.
PV: Các nhà khoa học thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, chị là nhà khoa học hiếm hoi, không những giỏi chuyên môn mà còn rất thành công trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của mình. Bí quyết của chị là gì?
Bạn có biết, không tính các đề tài, chương trình, dự án kinh doanh, một năm viện nghiên cứu phải chi đến vài chục tỷ, mỗi tháng không kiếm được tiền tỷ thì không có tiền để trả lương, riêng tiền điện mỗi tháng cũng tới 60 – 70 triệu. Đã lỡ trèo lên lưng hổ rồi thì phải cố gắng thôi (Cười).
Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến kiếm tiền và nghĩ làm thế nào để nuôi được cán bộ công nhân viên, nên không bao giờ tôi rời khỏi lab trước 9h, mỗi đêm chỉ ngủ 2-3 tiếng là chuyện rất bình thường. Tôi tự đăng ký, tham gia hàng loạt gói thầu cả trong và ngoài nước. Những ngày đầu tiên khi chúng tôi đi đấu thầu chương trình dự án, rất nhiều đơn vị nghi ngờ năng lực của chúng tôi, nghĩ là chúng tôi ở trên miền rừng thì không thể làm được những sản phẩm chất lượng, đến khi nghe chúng mình thuyết trình, đưa sản phầm chào hàng, ai cũng ngạc nhiên bởi sản phẩm quá tốt. Tôi đã từng có lần 7 ngày làm 17 gói thầu, vì khối lượng công việc vô cùng lớn, khiến tôi phải làm việc tới 24 giờ, không cho phép mình ngủ, đến nỗi tôi bị đột quỵ
Khi đi chào hàng ở nước ngoài, trong túi tôi lúc nào cũng đầy có các loại hạt giống, các mẫu bao bì do tôi thu thập ở các nơi về để học hỏi, để nghiên cứu, thử nghiệm. Không ngừng học hỏi, không ngừng thử nghiệm và đưa ra những sản phẩm chất lượng hơn, tôi nghĩ đó là một trong những điều khiến đối tác luôn hài lòng với sản phẩm của chúng tôi.
PV: Nghe nói chị làm việc thông thường tới 20 giờ/ ngày? Như vậy, chị phân bổ thời gian cho gia đình, thời gian thư giãn như thế nào để không bị stress ạ?
Với tôi, được làm những công việc tôi yêu thích thì không có gì là căng thẳng. Tôi đã từng đi bộ đường rừng 40km/ ngày, vừa đi vừa dịch. Tôi cho rằng: Sống trước hết là được làm gì mình thích, và sống là phải đóng góp, đó là ý nghĩa sống.
Tôi phải thú thực là tôi may mắn, khi có sự thấu hiểu, cảm thông và trợ giúp từ ông xã. Có lẽ bởi ông xã biết tôi sẽ không bao giờ từ bỏ niềm đam mê nghiên cứu nên có lần anh đã bảo “tốt nhất là không ngăn, bởi ngăn cũng không thể được”. Khi con gái đầu được 20 tháng tuổi đã phải xa con 4 năm đi nghiên cứu sinh ở Úc. Và con trai được 20 tháng tuổi lại một lần nữa ông xã chăm con để tôi đi bồi dưỡng chuyên môn ở Mỹ. Những lời cảm ơn dành cho ông xã tôi và 2 con vì đã luôn chia sẻ, thông cảm với công việc của tôi mà tôi phát biểu khi nhận giải thưởng là lời cảm ơn thật sự xuất phát từ tâm tôi.
Tôi cũng cố gắng tranh thủ để dành những phút thư giãn cho mình, có thời gian thì tôi xem thể thao, đọc báo. Còn tôi không có faceboook, không sử dụng mạng xã hội, hay dành thời gian cho việc mua sắm quần áo, như nhiều chị em khác, nên có lẽ tôi có được nhiều thời gian cho công việc. Quần áo một năm mình chỉ mua hai dịp, là dịp nào có giảm giá. (Cười).
Xin cảm ơn chị!
Công Diệu Thuần thực hiện