
Thiến hoá học: Giải pháp sinh học không thể giải quyết vấn đề xã hội
Vũ Thị Thu Nga, Tiến sĩ Y tế công cộng
Khuất Thu Hồng, Tiến sĩ Xã hội học
Trong phiên họp Quốc hội ngày 27/4/2020 vừa qua, thay mặt Đoàn giám sát của Quốc hội về việc “Thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em, trong đó, số trẻ bị xâm hại tình dục là 6.432 em. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ bị xâm hại. Tính trung bình, cứ 1 ngày trên toàn quốc có 7 trẻ em bị xâm hại.
Một lần nữa, thiến hoá học lại được một số đại biểu đề xuất như một biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những kẻ tội phạm và hình thức răn đe hiệu quả đối với vấn nạn này. Nhưng liệu thiến hoá học có thực sự giải quyểt được vấn đề?
Thiến hoá học là biện pháp dùng các loại hóc môn đối kháng hóc môn sinh dục nam hoặc sử dụng các chất ức chế tinh hoàn nhằm giảm sản xuất hóc môn sinh dục nam (testosterone). Do đó, thiến hoá học còn được gọi là liệu pháp hoá học kháng testosterone. Khi lượng hóc môn sinh dục nam giảm đi thì có thể sẽ giảm được nhu cầu và các động năng tình dục, giảm khả năng thực hiện hành vi giao cấu (giảm cương cứng) cũng như các khoái cảm khi quan hệ tình dục. Các thuốc sử dụng cho biện pháp thiến hoá học có thể được bào chế ở dạng thuốc uống hàng ngày hoặc thuốc tiêm dưới dạng phóng thích chậm, tác dụng kéo dài.
Ở một số nước, hình thức thiến hoá học này không chỉ áp dụng với các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em mà còn áp dụng với các loại tội phạm tình dục và các rối loạn tình dục khác. Hiện nay, thiến hoá học đã và đang được áp dụng tại một số nước như Đức, Thuỵ Điển, Pháp, Anh, Na Uy, Mỹ và Hàn quốc. Ở hầu hết các nước như Thuỵ Điển, Anh, Pháp và Na Uy, các đương sự được cung cấp thông tin về liệu pháp và được phép tình nguyện lựa chọn có áp dụng biện pháp này hay không, những người lựa chọn sẽ được giảm thời gian thụ án trong tù và sẽ được hỗ trợ kiểm soát các phản ứng phụ nếu xẩy ra. Đa phần các nước đều áp dụng cho các đối tượng đã phạm tội nhiều lần hoặc có nguy cơ tái phạm cao. Tại Đức và Mỹ, liệu pháp được áp dụng theo yêu cầu của toà án và trước khi thực hiện, đương sự được đánh giá sức khoẻ và tinh thần để xem có đủ điều kiện để thực hiện liệu pháp hay không.
Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp thiến hoá học không phải đơn giản mà kèm theo những vấn đề phức tạp trong quá trình triển khai mà chúng ta cần cân nhắc. Trước hết, tại những nước đã áp dụng biện pháp này, thiến hoá học thường đi kèm với các chương trình trị liệu tâm lý và hỗ trợ xã hội khác. Trong khi liệu pháp thiến hoá học chỉ giúp giảm nhu cầu và khoái cảm tình dục, việc kết hợp liệu pháp hoá học và các liệu pháp tâm lý – xã hội sẽ giúp đương sự giảm các nhu cầu tình dục và sự thôi thúc quan hệ tình dục với trẻ em, thay đổi những quan niệm ủng hộ cho hành vi ấu dâm, tăng cường nhận thức các nguy cơ có thể dẫn tới việc xâm hại, nâng cao năng lực kiểm soát hành vi và giảm nguy cơ tham gia các hành vi xâm hại tình dục và các hành vi tình dục có liên quan khác. Như vậy có thể thấy rằng, trong khi thiến hoá học chỉ giúp ức chế ham muốn tình dục về mặt sinh học thì các biện pháp trị liệu tâm lý-xã hội mới chính là các giải pháp bền vững nhằm thay đổi nhận thức sai lệch và kiểm soát hành vi nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em. Vậy ở Việt Nam, khi áp dụng liệu pháp thiến hoá học, chúng ta đã sẵn sàng để thực hiện đồng bộ biện pháp hóc môn với các biện pháp trị liệu tâm lý và giáo dục xã hội để giúp thay đổi thái độ và hành vi của người phạm tội hay không?
Điểm cân nhắc thứ hai là sự hợp tác và tuân thủ liệu trình hóc môn của các đương sự vì hiệu quả của liệu pháp hoàn toàn phụ thuộc vào việc hợp tác và tuân thủ của đương sự. Liệu họ có hợp tác tự uống thuốc theo lịch hàng ngày hoặc đi tiêm theo đúng lịch không? Ngoài ra, vì việc đánh giá hiệu quả của liệu pháp thiến hoá học cũng chủ yếu dựa vào sự tự khai báo về hiệu quả của thuốc của đương sự, liệu họ có cố tình khai báo gian dối về tác dụng của thuốc đối với việc giảm nhu cầu và ham muốn tình dục để rút ngắn thời gian thực hiện liệu pháp hay không nếu họ bị ép buộc phải thực hiện biện pháp này? Các chương trình can thiệp thay đổi thái độ và hành vi cho thấy rằng, hiệu quả của chương trình chỉ có thể đạt được khi đối tượng đích tình nguyện, hợp tác và tuân thủ liệu trình. Đã có một số trường hợp không tuân thủ và tái phạm được ghi nhận ở một số nước.
Tiếp theo, giống như bất kỳ trị liệu hoá học nào, việc sử dụng các chất đối kháng hóc môn sinh dục nam sẽ đi kèm theo các tác dụng phụ không mong muốn. Các hoạt chất thường được sử dụng trong liệu pháp thiến hoá học mà bản chất là một hóc môn sinh dục nữ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như béo phì, loãng xương, hội chứng Curshing (là một hội chứng rối loạn phân bổ mỡ trong cơ thể), ung thư vú hoặc phì đại mô vú và trầm cảm. Nhóm hoạt chất thuộc nhóm ức chế tinh hoàn sản xuất hóc môn sinh dục nam có ít tác dụng phụ hơn. Ở các nước có áp dụng biện pháp thiến hoá học, người tình nguyện lựa chọn biện pháp thiến hoá học sẽ được hội chẩn đánh giá tổng thể lợi ích và nguy cơ bởi một hội đồng chuyên môn bao gồm các bác sỹ chuyên khoa nội tiết, tình dục học và tâm lý học để đảm bảo rằng sức khoẻ và tinh thần của họ phù hợp với việc áp dụng biện pháp này và được theo dõi nồng độ hóc môn sinh dục định kỳ để theo dõi tác dụng của thuốc. Vậy câu hỏi đặt ra là khi áp dụng chương trình ở Việt Nam, đương sự có được hội chẩn đánh giá xem họ có đủ sức khoẻ thực hiện liệu trình hay không và trong quá trình thực hiện liệu trình thì bao lâu họ sẽ được đánh giá một lần và bởi cơ quan nào? Nếu đương sự có tác dụng phụ không mong muốn, ai sẽ là người chi trả cho việc điều trị các tác dụng phụ này? Đương sự hay các cơ quan thực thi pháp luật? Nếu đương sự bị ung thư vú có nguy cơ ảnh hưởng tới sự sống còn của họ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Hơn nữa, tất cả các biện pháp hóa trị liệu này không giống như biện pháp thiến sinh học là cắt bỏ tinh hoàn và do đó triệt bỏ hóc môn sinh dục nam ngay lập tức và vĩnh viễn. Các biện pháp thiến hoá học cần thực hiện lâu dài và khi ngừng điều trị thì việc sản xuất hóc môn sinh dục sẽ được phục hồi lại và do đó nhu cầu và các hành vi tình dục cũng sẽ phục hồi tương ứng. Trong các nghiên cứu thực hiện ở nước ngoài, biện pháp dùng thuốc đối kháng hóc môn nam thường được kéo dài ngắn nhất là 1 năm. Việc tổ chức thực hiện liệu pháp trong thời gian dài sẽ phức tạp ở chỗ cơ sở nào sẽ là nơi cung cấp các biện pháp thiến hoá học cho các đương sự: các cơ sở y tế thông thường của Bộ Y tế ở ngoài cộng đồng hay các đơn vị y tế của các cơ sở giam giữ của Bộ công an, đương sự bị án phạt thiến hoá học có phải đi tù không hay chỉ cần áp dụng biện pháp thiến hoá học là đủ, thời gian uống thuốc hoặc tiêm thuốc là bao nhiêu là đủ đối với người Việt Nam. Nếu việc thiến hoá học được thực hiện ở cộng đồng thì chế tài nào sẽ bắt buộc đương sự phải hợp tác uống thuốc hoặc tiêm thuốc đúng định kỳ để đảm bảo được hiệu quả ức chế sinh dục của thuốc.

Như vậy, thiến hoá học không phải là một biện pháp triệt để để giải quyết vấn đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em và việc thực hiện cũng không hoàn toàn đơn giản. Việc áp dụng liệu pháp thiến hoá học cần phải cân nhắc thật kỹ tất cả các yếu tố về quyền được lựa chọn của đương sự, các yếu tố chuyên môn y tế và các yếu tố liên quan đến triển khai chương trình.
Mặt khác, chúng ta đều biết rằng, con số 6432 cháu bé bị xâm hại nêu trên chỉ phản ánh một phần sự thật. Còn nhiều vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng không bao giờ bị phát hiện, còn nhiều kẻ thủ ác chưa bao giờ bị đưa ra ánh sáng. Còn nhiều tội ác mãi mãi bị chôn vùi vì sự thiếu quan tâm của người lớn, vì sự kỳ thị cuả cộng đồng, sự vô trách nhiệm của những người thực thi pháp luật. Còn rất nhiểu đứa trẻ phải âm thầm chịu đựng những hậu quả nặng nề kéo dài về thể chất, tinh thần và có thể vĩnh viễn mất cả tương lai.
Do vậy, thay vì trở đi trở lại với việc thiến hoá học, nên tập trung tăng cường một chương trình tổng thể phòng chống xâm hại tình dục trẻ em nên bao gồm các dịch vụ can thiệp trị liệu tâm lý – xã hội cho những người có xu hướng ấu dâm, các chương trình giáo dục bảo vệ trẻ em tại nhà trường và cộng đồng cho trẻ em, thầy cô giáo, cha mẹ và những người liên quan, tăng cường phát hiện, xử lý và trừng phạt nghiêm khắc những kẻ thủ ác. Giải pháp rộng hơn và bền vững hơn là thay đổi nhận thức cuả toàn xã hội rằng tội ác tình dục xảy ra không phải do bản năng thú vật của kẻ thủ ác mà là niềm tin rằng ham muốn của đàn ông là không thể kiểm soát. Việc chỉ có một số rất nhỏ đàn ông phạm tội tình dục và những trường hợp thất bại của liệu pháp thiến hoá học đã chứng minh rằng tình dục không đơn thuần là bản năng sinh học. Ngược lại, hơn bất kỳ một thuộc tính nào của con người, tình dục được xã hội hoá cao độ nhất. Tội ác tình dục xảy ra không phải là vấn đề sinh học mà là vấn đề xã hội nên nó phải được giải quyết bằng các giải pháp xã hội.