
Cố gắng cũ trong một bình thường mới
Những ngày gần đây, mỗi lần nhìn tờ lịch, lòng tôi lại len lén một cảm xúc khó chịu. Một sự pha trộn giữa buồn chán, hoang mang và trống rỗng. Là cái cảm giác khi lý trí ép buộc rằng phải sống tích cực, phải tin vào ngày mai, nhưng trái tim lại nặng nề câu hỏi: “Ngày mai liệu có khá hơn gì?”. Tôi hiểu rằng một ngày nào đó, cơn ác mộng Covid-19 này sẽ chấm dứt. Nhưng đó là ngày nào? Và con người sẽ phải dọn dẹp những hậu quả nặng nề thế nào do nó gây ra?
Có một đoạn viết ở trên mạng như thế này:
Khoảnh khắc nào sẽ khiến cho bạn muốn bật khóc?
1, Khi nhận ra mình sống không có mục đích gì cho tương lai, không biết bản thân phải làm gì, chọn gì…
2, Khi đã cố gắng làm mọi thứ. Nhưng cuối cùng nhận về lại là thất vọng.
3, Khi đã quá mệt mỏi sau những ngày bản thân phải chống chọi với những điều bất ngờ ập đến.
4, Khi mọi chuyện tồi tệ đều đến cùng một lúc.
5, Khi ngồi hoạch tính tiền học, tiền trọ, tiền ăn… Thấy bản thân thật vô dụng!
Nếu các khoảnh khắc trên thật sự có thể khiến cho một người bật khóc, thì hẳn năm 2020 sẽ lụt lội trong nước mắt. Đây là năm mà gửi hồ sơ đi khắp nơi xin việc đều khó nhận hồi âm, năm mà các ước mơ tuổi trẻ vỡ tan tác, có được một việc làm đã là chuyện may mắn lớn rồi chứ khoan nói đến hành trình phiêu lưu hay ước mơ khởi nghiệp.
Bây giờ đã là tháng 8. Nhiều nước trên thế giới vẫn đang “vật lộn” cùng dịch bệnh, trong đó có những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, liên minh châu Âu, Mỹ. Điều này khiến đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp hoặc đình trệ. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp phải tạm dừng hoạt động, công nhân sẽ không có việc làm, thất nghiệp. Giãn cách xã hội làm cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, giáo dục… đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong vòng ba tháng gần đây, hơn 1,3 triệu người mất việc làm tại Việt Nam. Nhưng mọi thứ dễ còn buồn thảm hơn, vì Covid-19 quay lại Việt Nam sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tôi đã làm nhiều cách để cố gắng gạn các cảm xúc tiêu cực ra khỏi thân mình, nhưng thất bại. Làm sao một người có thể là màu hồng trong khi môi trường xung quanh họ là màu xám? Mất việc làm, mất tiền tiết kiệm, mất cơ hội thực hiện những dự tính từ lâu, tệ hơn nữa là mất sức khoẻ và mạng sống… Ai cũng sẽ chịu khổ từ dịch bệnh này, không ít thì nhiều, không kiểu này thì kiểu khác. Nụ cười dường như đã biến mất ở nhiều nơi.
Ngày qua ngày. Một cuốn phim hay, một cuốn sách hút, một bữa ăn ngon chỉ khiến cho lòng tôi “tắt” đi trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Khi quay trở lại với công việc, những bất an, lo nghĩ lại lặng lẽ kéo đến lòng tôi. Tôi dần học cách sống chung với những cảm xúc màu xám, hiểu rằng bây giờ dẫu có làm thế nào thì nó cũng chẳng thể biến mất tăm. Tôi ghi ra một danh sách các việc làm nhỏ mà bản thân có thể làm hàng ngày để thấy mình có ích, để các cảm xúc màu xám bớt giày vò mình lại.
Tôi tiết kiệm. Quần áo không mua nữa. Son phấn xài hết mới tính tiếp. Sách truyện mượn bạn bè thay vì mua mới. Đồ đạc bớt đi một tí chẳng chết mình. Nhưng không có tiền trong ngân hàng thì không có cảm giác an toàn, không tự tin. Một người không tự tin thì sẽ tự làm mất đi rất nhiều cơ hội của bản thân.
Tôi học. Học ngoại ngữ, học những kỹ năng cần thiết của thời đại mới như phân tích và trình bày dữ liệu, học những gì mà tôi thấy cần thiết cho công việc của mình. Thế giới này đang dạy cho tôi rằng nó có thể thay đổi nhanh chóng chỉ sau một cái hắt xì. Tất cả những gì tôi biết, tôi quen thuộc, tôi tự mãn đều sẽ biến mất hết. “Học là chuyện cả đời” không chỉ là một câu nói hoa mỹ mà thầy cô nói với chúng ta ngày bế giảng nữa, mà đó đúng thật là chân lý cuộc sống.
Tôi sợ bệnh, nhưng mặt khác tôi không muốn ru rú mãi trong nhà. Vì con người là loài động vật bầy đàn. Chúng ta cần sự hiện diện của người khác để cảm nhận được hơi thở cuộc sống. Hơn nữa, ở nhà nhiều quá thì kinh tế đi xuống, chất lượng sống từ đó cũng xuống và kéo theo bao nhiêu hệ lụy. Tôi vẫn mua cà phê ở quán quen và mang đi. Tôi vẫn ăn ở nhà hàng mình thích, khi đảm bảo rằng họ giữ khoảng cách an toàn giữa các bàn. Tôi vẫn đi mua hàng trong siêu thị. Tôi cố gắng ủng hộ các quán hàng quen thuộc của mình, giúp họ sống qua mùa khổ này. Tôi đã nhìn thấy quá nhiều bảng dán “cho thuê nhà nguyên căn” ở trên đường. Tôi đã buồn khi vài chỗ yêu thích của mình đóng cửa, có khi là vĩnh viễn…
Tôi bình tĩnh sống, từng bước một quay trở lại cái nhịp điệu như thời điểm chưa tái bùng dịch. Tôi thích nghi với cuộc sống bình thường mới: luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài và rửa tay sau mọi va chạm “khả nghi”.
Chẳng bao lâu nữa là Trung thu, rồi Giáng sinh, rồi Năm mới. Các lễ hội sẽ không màu sắc và rộn ràng như trước. Vì năm nay là một năm buồn. Nhưng thời gian rồi sẽ qua, chúng ta sẽ vượt qua. Chỉ hy vọng khi vài năm sau nhìn lại, chúng ta có thể thấy năm 2020 tuy tàn khốc, nhưng nó cũng lại là cái mốc thời gian mà bản thân mỗi người đã thay đổi và trở nên linh hoạt hơn, điềm tĩnh hơn, vững vàng hơn.
Vân Anh