
Cyberbullying – Những nỗi đau trên mạng
Cyberbullying – bắt nạt trực tuyến – là một khái niệm mới xuất hiện cùng với thời đại của mạng xã hội – công cụ đã mang đến quyền năng biến tất cả chúng ta thành vô danh, đồng thời cũng có thể khiến một cá nhân nổi tiếng sau một đêm, bằng cả cách tích cực hay tiêu cực.
Trong kinh Tân Ước có kể câu chuyện: Những người thuộc phái Phariseu dắt người đàn bà bị phát hiện ngoại tình đến trước mặt Chúa Jesus, hỏi Ngài ý kiến về việc xử phạt chị ta bằng cách ném đá đến chết. Chúa Jesus trả lời: “Ai trong các người sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Nghe vậy, họ lần lượt bỏ đi, người trước người sau, từ những người lớn tuổi nhất đến người ít tuổi nhất.
Nếu câu chuyện này xảy ra trong thời đại mạng xã hội, chắc hẳn sau khi nghe lời phán của Chúa, những người Phariseu bèn tạo một loạt tài khoản ảo 1 ngày tuổi sạch sẽ như trẻ sơ sinh, rồi cùng nhau ném đá người đàn bà ngoại tình đến chết.
Cuối năm 2019, hai ca sĩ Hàn Quốc Choi Sulli và Goo Hara đã tự tử do trầm cảm, sau khoảng thời gian dài bị cư dân mạng nước này chỉ trích vì chuyện tình cảm cá nhân. Họ không phải là những nạn nhân đầu tiên tự tử vì cyberbullying, và chắc chắn cũng không phải những người cuối cùng.
Định nghĩa cyberbullying xác định đây là hình thức bắt nạt thông qua các thiết bị công nghệ hiện đại mà (1) có ý định làm tổn thương, (2) là một phần của mẫu hành vi tiêu cực lặp đi lặp lại và (3) được thực hiện trong mối quan hệ đặc trưng bởi mất cân bằng quyền lực, tức người bị bắt nạt luôn ở thế yếu hơn những kẻ bắt nạt.
Nhưng thực tế không bao giờ trắng đen như lý thuyết. Chúng ta không bao giờ cảm thấy các ca sĩ nổi tiếng và giàu có như Sulli, Goo Hara, hay ở Việt Nam, như Hoàng Thùy Linh, Hồ Ngọc Hà là những người yếu thế. Có nhiều quan điểm dạng đổ lỗi cho nạn nhân, cho rằng những người nổi tiếng phải chấp nhận việc bị bắt nạt trên mạng là một đặc thù nghề nghiệp, như câu nói của ca sĩ Sơn Tùng: “Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được cảm giác không ai chịu được”. Nhưng đó chính là cách để các cư dân mạng xóa sạch mọi cảm giác tội lỗi.
Mặt khác, cyberbullying gần gũi với chúng ta hơn thế, và ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Ví dụ một câu chuyện từ năm 2017: Vào khoảng 5 giờ chiều ngày Chủ nhật, 09/04/2017, bác sĩ David Đào lên chuyến bay số hiệu 3411 của hãng United Airline đi từ Chicago về Louisville để kịp điều trị cho bệnh nhân có hẹn vào sáng sớm hôm sau. Lúc đó, ông không ngờ được rằng mình lại trở nên nổi tiếng sau khi bị hãng hàng không ép rời khỏi máy bay do overbooking. Video quay lại cảnh ông bị kéo đi một cách hung bạo đã được chia sẻ rộng rãi khắp nơi, và sau đó đã được các cơ quan truyền thông dòng chính ghi lại. Đoạn video này đã được chia sẻ 87.000 lần và được xem 6,8 triệu lần trong vòng chưa đầy một ngày. Vụ việc đã trở thành chủ đề số 1 trên trang Weibo, trang mạng xã hội của Trung Quốc, và thu hút hơn 100 triệu lượt xem. Sự cố truyền thông này đã khiến hãng hàng không United Airline chịu thiệt hại ước tính hàng tỉ đô, hãng cũng phải xin lỗi công khai và đền bù cho ông Đào một khoản tiền lớn.
Bác sĩ Đào không phải là người đầu tiên bị ép rời khỏi máy bay, thậm chí trong cùng chuyến bay của ông, có 3 hành khách cũng bị mời xuống để nhường chỗ cho nhân viên của hãng. Nhưng chính sức mạnh của mạng xã hội đã đưa sự cố này đến tận văn phòng Tổng thống Mỹ, cũng như việc ông là người gốc Á đã thổi bùng ngọn lửa chống phân biệt chủng tộc từ Trung Quốc, biến ông trở thành người nổi tiếng toàn thế giới chỉ sau một đêm.
Mặt khác của câu chuyện, sau vài ngày được cộng đồng mạng ủng hộ với vai trò nạn nhân của một tập đoàn tư bản khổng lồ, thì ông Đào cũng lại trở thành nạn nhân của cộng đồng mạng, khi bị bóc quá khứ quan hệ đồng tính và chơi bài bạc (những việc không hề phạm pháp ở Mỹ).
Bất cứ người trưởng thành nào cũng có góc tối, và chúng ta đều ổn cho đến khi góc tối đó bị đưa ra ngoài ánh sáng. Mạng xã hội và các chiến binh công lý ẩn danh luôn sẵn sàng bóc trần bạn sạch sẽ, len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc đời bạn, để tìm ra bất kì một vết nhơ nào.
Không có gì trên mạng là bí mật
Cách đây không lâu, tôi được nghe một câu chuyện dở khóc dở cười. Một chị bạn tôi, sau khi nhờ được anh đồng nghiệp đi công tác nước ngoài mua hộ món đồ, đã vui vẻ nhí nhảnh nhắn tin cảm ơn bằng một câu đùa cợt và gửi kèm emoji hình trái tim. Hành động đơn giản quen thuộc đến độ không có gì để bận tâm đối với giới trẻ. Thế nhưng, chị vợ anh đồng nghiệp bằng cách nào đó đã thấy được đoạn hội thoại này. Chị bèn chụp lại màn hình, đăng lên một nhóm trên mạng xã hội, kể chuyện các cô gái văn phòng bây giờ đáng sợ như thế nào, ve vãn cả người đã có gia đình. Chị bạn tôi không hề biết mình đang là đối tượng bị 500 chị em trên nhóm nọ miệt thị, đã vô cùng bàng hoàng khi thấy có chị tìm được vào tận trang Facebook cá nhân để “dạy dỗ”, cũng như có người đòi liên hệ với công ty để đuổi việc “loại nhân viên” này, giữ cho anh em lẫn vợ anh em yên tâm công tác.
Hóa ra trang mạng xã hội mà trước nay nhiều người vẫn đang coi như trang nhật kí cá nhân, hay những mẩu đối thoại trong Messenger vẫn được coi là câu chuyện bí mật, thì có một ngày lại trở thành bằng chứng trước tòa án của cư dân mạng, nơi bị đơn luôn là người đúng, bị cáo luôn là người sai, và các quan tòa, thẩm phán, công tố viên, bồi thẩm đoàn lẫn cảnh sát đều ẩn danh, nhưng các bản án thì đều là thật.
Ai là người ném viên đá đầu tiên?
Để đối phó với nỗi đau trên mạng, đa phần các nạn nhân lựa chọn cách khóa trang cá nhân, im lặng chờ vụ việc trôi qua. Dù vậy, đám đông có thể sẽ quên bạn chỉ sau vài tuần, nhưng những người có liên quan thì không quên, và với chính bản thân bạn, nỗi đau và những hệ quả của nó sẽ luôn còn đó.
Trong tất cả các vụ cyberbullying, nạn nhân không phải là người duy nhất chính danh. Để kích động được một đám đông vô hướng đi theo một “ngọn cờ chính nghĩa”, cần một người có tiếng nói ném viên đá đầu tiên. Có thể coi đây là thủ phạm chính đứng sau một vụ bắt nạt trên mạng. Cách xử lý khôn ngoan nhất khi bạn đột nhiên trở thành nạn nhân của cyberbullying chính là phải đối thoại được với nhân vật này, hoặc kéo người đó ra ánh sáng.
Kết luận: Không ai là người ngoài cuộc
Việc hóng hớt những vụ drama trên mạng luôn vui, khi bạn là người ngoài cuộc. Nhưng kể cả khi bạn không góp một viên đá nào vào vụ bắt nạt tập thể này, thì mỗi lượt react, lượt share, hay thậm chí lượt view của bạn cũng đang góp phần lan tỏa câu chuyện của nạn nhân, đảm bảo họ càng khó gượng dậy hơn, cũng như mở đường cho những vụ bắt nạt trên mạng tiếp theo, mà nạn nhân có thể là chính bạn.
Băng Luân