
Nỗi lo âu về ngoại hình
Bạn có bao giờ cảm thấy kì quặc, khi gương mặt mà bạn cảm thấy xa lạ nhất là gương mặt của chính mình?
Truyền thuyết hoa thủy tiên kể về chàng Narcissus vì quá yêu hình bóng của mình mà ngã vào hồ nước chết đuối, từ lâu cũng được coi là một truyện ngụ ngôn nhắc nhở chúng ta về tính ái kỉ. Thế nhưng, những nét tính cách trong các tác phẩm nghệ thuật thường được làm quá, được kịch tính hóa, chứ thực tế thì chắc đến 99% nhân loại chỉ dám tự tin mình nằm trong top 8 tỷ gương mặt đẹp nhất thế giới mà thôi, nói gì đến có tính ái kỉ. Chúng ta lạ lẫm với gương mặt của chính mình, bởi ta không thể tự nhìn thấy chính ta, mà phải nhờ đến gương soi, máy ảnh. Hình ảnh của ta trong những thiết bị này đều đã bị lật ngược lại, sự phản chiếu của ánh sáng làm tất cả những khuyết điểm trên gương mặt đều có vẻ to ra, đậm nét hơn. Nhưng tréo ngoe là, bạn không thể đi lướt qua một chiếc gương mà không dừng lại soi một chút, hay không thể nhìn tấm ảnh chụp chung mà không liếc mắt tìm mình đầu tiên. Và bởi vậy, chúng ta cứ dằn vặt trong mâu thuẫn vừa muốn nhìn ngắm bản thân, vừa luôn ghét bỏ vẻ ngoài của bản thân.

Có một video thú vị so sánh cách bạn nhìn nhận bản thân khác như thế nào so với cách người khác nhìn bạn, trong đó, một chuyên gia vẽ chân dung tội phạm đã vẽ 2 bức hình cho người tham gia thí nghiệm: một bức theo mô tả của chính họ, và một bức theo mô tả của một người vừa gặp họ. Kết quả, bức vẽ theo mô tả của chính người tham gia trông luôn khép kín, cáu kỉnh hơn so với bức vẽ theo mô tả của người mới gặp. (link video: tps://youtu.be/6lkZmR1hDNU)
Có thể thấy, cả 2 bức hình, cũng như 2 phiên bản con người đó đều là chính ta, nhưng một phiên bản được nhìn bởi con mắt đầy soi mói, xét nét, phóng đại những nhược điểm của bản thân, còn một phiên bản được nhìn bởi đôi mắt khoan dung, thiện chí hơn mà người khác dành cho ta, cũng như ta dành cho người khác.
Tại sao chúng ta lại ghét vẻ ngoài của bản thân đến thế?
Bộ não người được thiết lập để yêu mến vẻ ngoài của trẻ con. Chúng ta thích những con thú nhỏ như mèo con, chó con, cũng bởi chúng có những nét tương tự trẻ em: đôi mắt to tròn lấp lánh, mũi nhỏ, miệng nhỏ chúm chím và vầng trán cao. Đó là những tiêu chuẩn thẩm mỹ duy nhất được cài đặt trong gen của loài người. Nhưng rồi chúng ta đến tuổi trưởng thành. Chúng ta bắt đầu dậy thì, làn da không còn mịn màng mà lấm tấm mụn, cái miệng không còn nhỏ nhắn, đôi mắt không thay đổi, nhưng gương mặt lớn hơn làm đôi mắt trông nhỏ xíu đi. Bạn không còn mái tóc tơ mềm mại khi bé, mà sẽ có mái tóc xù đơ không ra thể thống gì, và càng cố chữa băng cách nhuộm, uốn, ép thì tóc sẽ lại càng tệ. Bạn muốn níu kéo làn da mềm mại như em bé, muốn mái tóc dày sóng sánh như người mẫu, muốn có cằm V-line, muốn có sống mũi cao, góc nghiêng thần thánh. Những tiêu chuẩn thẩm mỹ hiện đại đã thay thế, hiện diện khắp nơi, len lỏi đeo bám bạn đến bất cứ nơi nào bạn có thể nhìn. Bạn tự nói với bản thân, tất cả những người đẹp đó đều đi phẫu thuật thẩm mỹ hết, những người bạn chụp ảnh đăng Facebook, Instagram xinh như hot girl đều đã chỉnh sửa qua bảy bảy bốn chín cái app chỉnh ảnh. Nhưng thực sự, bạn không thể tự lừa rằng mình thật hoàn hảo, mình có thể tự tin khoe mặt mộc, có thể cười to khoe hàm răng hô, hay mặc chiếc váy LBD kinh điển để khoe eo bánh mì hay đùi to chân ngắn. Các nhãn hàng dắt mũi chúng ta, họ nhặt 1% người có vẻ ngoài khác biệt với số đông, như những người Âu Mỹ da nâu, hay người Á da trắng mũi cao, và họ bảo thế là đẹp. Họ đưa cho chúng ta những sản phẩm của họ, bảo rằng dùng đi, và bạn sẽ đẹp hoàn hảo, đây là thuốc nhuộm nâu da cho phụ nữ Âu Mỹ, thuốc làm trắng da cho phụ nữ Châu Á, phẫu thuật nhỏ ngực cho phụ nữ Âu Mỹ, phẫu thuật nâng ngực cho phụ nữ Châu Á. Nhưng những phụ nữ Châu Á sang Âu Mỹ hay những phụ nữ Âu Mỹ sang Châu Á vẫn đều không nghĩ mình là đẹp.
Trong cái khung tiêu chuẩn đẹp nhỏ tí xíu mà truyền thông dựng nên, chẳng bao giờ chúng ta có thể vừa vặn được nếu không phá hủy bản thân theo nhiều cách. Có người chọn phá đi làm lại, có người cố gắng cải thiện dần bằng cách tin vào lời hứa của các nhãn hàng, có người chọn buông tay, không chăm chút cho bản thân, muốn ra sao thì ra. Và dù chọn cách nào, bạn cũng vẫn không được tha đâu. Các nhà sản xuất có sản phẩm cho người muốn thay đổi vẻ ngoài, và có cả sản phẩm cho người không muốn thay đổi vẻ ngoài. Bạn hãy đi học các khóa dạy về thả lỏng, yêu bản thân đi, hãy mua quần áo rộng thùng thình, hãy đi du lịch để có vẻ đẹp tâm hồn đi, tốt gỗ hơn tốt nước sơn mà, phải không. Và thế là, nỗi lo âu về ngoại hình, tâm lý tự ghét bỏ bản thân của bạn do truyền thông và nền sản xuất tư bản gây ra, cũng được truyền thông và các nhà sản xuất hứa hẹn sẽ cứu chữa.
Tôi không tin, và cũng mong bạn đừng hi vọng rằng bạn sẽ đẹp khi nhìn qua con mắt của tình yêu, bởi tình yêu không bao giờ là mãi mãi. Cái đẹp mà bạn thấy sau khi được tiêm những liều adrenaline từ những khóa học yêu bản thân cũng sẽ trôi qua khi cơn kích động kết thúc, và bạn cũng đừng cố duy trì bằng cách tiếp tục tham gia những khóa học mới. Bạn chỉ nhìn thấy bản thân đẹp khi bạn thực sự không còn một tiêu chuẩn nào về cái đẹp nữa, hoặc tiêu chuẩn về cái đẹp của bạn chính là bạn, bởi đẹp là khi không nhìn thấy cái gì khác đẹp hơn.