
Anh yêu
Em biết ở đây có phần là lỗi tại em. Em đã quá mải mê theo vai trò một người vợ mẫu mực, đôi khi việc đó lại làm em thấy thích thú. Em dọn dẹp nhà cửa, chi tiêu tiền bạc, sinh con đẻ cái. Em không thể tha thứ cho mình chuyện đó được: em đã tự xây cho mình một cái lồng, vứt chìa khóa đi và tự thuyết phục mình là bà chủ trong đó…
Người đàn ông cầm cốc rượu mạnh đi đến bên chiếc ghế bành. Anh đưa tay lấy tờ báo và thấy một cái phong bì nằm trên nó. Anh ngạc nhiên đọc chữ đề trên bì thư: “Gửi chồng em”. Người vợ gửi thư cho anh là một việc lạ. Nếu cô muốn nói gì với anh thì sao không nói trong bữa trưa? Anh mở phong bì lấy ra một mảnh giấy nhỏ màu hồng nhạt gấp đôi. Anh cầm cốc rượu uống một ngụm, mở tờ thư ra và bắt đầu đọc.
“Anh yêu, em biết anh sẽ ngạc nhiên, và có thể là bực mình nữa vì hành động này của em. Em biết anh có thói quen sau bữa ăn ngồi đọc báo trong chiếc ghế bành yêu thích của mình.
Tuy nhiên em có điều muốn nói với anh. Cuộc hôn nhân đã khá dài của chúng ta – vài ngày nữa là tròn hai mươi lăm năm – đó là tất cả cuộc đời em, bởi vì em lấy anh khi mới mười tám tuổi: dẫu sao đi nữa em đã sống cả cuộc đời trưởng thành của mình có anh là chồng. Em đã cùng anh trải qua những phút giây hạnh phúc. Ngắn ngủi nhưng mà hạnh phúc. Chúng ta đã ở bên nhau biết bao thời gian – cuộc sống đã có những lúc thăng lúc trầm, dù em không còn nhớ lúc thăng lần cuối là thế nào. Em đã nhẩm tính số lượng từ chúng ta nói với nhau trong một ngày: nếu tính câu “Chào buổi sáng” lúc đầu ngày và “Chúc ngủ ngon” lúc lên giường thì gom lại được khoảng nửa trăm từ. Nói thật ra như thế là ít, nếu biết rằng chúng ta nhìn thấy nhau bốn năm tiếng đồng hồ một ngày. Nhưng mà em nghĩ nói chung chuyện đó cũng là thường tình thôi. Chán vạn cặp vợ chồng đều sống như thế cả.
Thật ra thì cả đời em còn phải lo con cái, vì anh thì bận công việc, em phải lo việc nhà cửa, chăm sóc mẹ anh, tính toán chi tiêu, vì anh không chịu nổi việc đó, rốt cuộc em cũng có thể chờ mong một cái gì lớn hơn chứ. Nhưng thói quen là bản tính thứ hai, chúng ta phải chung sống với nó. Đó là chuyện bình thường, em tự nhủ.
Sự thật thì đã mấy năm nay anh không đưa em đi ăn tối ở nhà hàng, đi xem phim xem kịch, bởi vì chiều nào anh về nhà cũng đã mệt mỏi và chỉ thích ngồi vào ghế bành xem tivi; đã hai mươi năm nay năm nào chúng ta cũng chỉ đi nghỉ ở San Bartolomeo để anh có thể gặp gỡ chị gái, ngoài ra anh không có thời gian nào khác để đến thăm chị ấy, trong bữa trưa bữa tối chúng ta không hề nói chuyện với nhau, bởi vì lúc ấy đang bản tin thời sự trên tivi; các ngày chủ nhật anh lại không rời chiếc tivi vì có chương trình bóng đá…”
Người đàn ông thở dài. Vẫn cứ mấy chuyện lải nhải này. Anh lật lại tờ thư thấy chỉ còn một đoạn ngắn. Bây giờ anh hiểu tại sao cô vợ không nói chuyện trong bữa trưa. Cô biết là anh sẽ lại để mặc cô khóc lóc một mình. Anh uống nốt ngụm rượu và đọc tiếp bức thư viết bằng thứ chữ nhỏ li ti của vợ.
“Nhưng, em tự nhủ, mọi người đều sống thế cả. Về nguyên tắc, cuộc sống gia đình là buồn chán, song dẫu sao vẫn có sự ràng buộc, tôn trọng… Nhưng một tuần trước đây đã xảy ra một chuyện làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của em về hai chúng ta. Em dọn dẹp giường chiếu và tìm thấy trên sàn nhà, sát chân cái bàn ngủ của anh, một lá thư. Em đã bóc nó ra xem. Chỉ là do tò mò thôi mà, anh biết đấy, ai mà chẳng vậy…”
Không, anh không có cái thói đó! Anh không bao giờ cho phép mình đọc thư của người khác. Làm sao vợ anh lại có thể hành động thấp kém như vậy? Anh sôi lên vì sự tức giận quá sức. Anh muốn đi kiếm cô chửi mắng một trận, nhưng rồi kìm lại. Để xem cô đã nghĩ những gì. Mà cũng chẳng phải giàu óc tưởng tượng lắm mới biết cô sẽ phản ứng ra sao.
“Thoạt đầu em nghĩ đó là thư của một cô bạn nào đó của Sergio. Trong thư nói đến những đêm những ngày không thể quên ở bãi biển, những cuộc dạo chơi bằng xe đạp. Lời lẽ trong thư có những câu như “người tình mạnh mẽ”, “những cái hôn nồng nàn” và “giường chiếu bốc lửa”. Sau đó em đọc thấy tên anh và hiểu ra, dù điều này có vẻ khó tin, người tình mạnh mẽ đó chính là anh.
Em nhớ lại những đêm đã xa của chúng ta và người đàn ông hết sức nghèo nàn trí tưởng tượng ái ân đã lăn ra ngủ sau hai mươi giây làm tình. Dù trước khi vào cuộc đã hút một điếu thuốc.
Em cũng không biết là anh lại yêu thích nghệ thuật và ham mê triển lãm đến thế. Em nhớ lần cuối cùng hai chúng ta vào thăm bảo tàng là khi chở Sergio đến bảo tàng vạn vật học. Nó lúc ấy lên bảy. Bây giờ nó đã nhập ngũ rồi…”
Người đàn ông càng lúc càng thấy nóng bức. Anh gần như nghẹt thở. Cơn tức giận và sự luống cuống tạo thành một hợp chất nguy hiểm. Anh đưa tay cầm cái cốc nhưng nhận ra nó đã cạn rượu. Anh đứng dậy, cảm thấy choáng đầu. Anh đi lại quầy rượu đối diện rót thêm rượu vào cốc. Sau đó anh quay lại chỗ ghế và đọc tiếp thư.
“Em tự nhủ: chẳng lẽ đây thật là chồng mình sao? Cái người tẻ ngắt, hết sức kỹ tính, cái người xếp đặt những chiếc bút chì trong ngăn kéo tề chỉnh đến từng milimét và ngồi liền hàng giờ trước bể nuôi cá dán mắt vào đó như bị thôi miên. Cái người bao giờ cũng chỉ làm đúng một thứ việc đó, vào đúng cái giờ đó, theo đúng cái trình tự đó, không mảy may vận đến trí tưởng tượng, sự bốc đồng, hứng khởi.
Nhưng dẫu sao lá thư là nói về anh.
Em chợt hiểu ra vì sao có những chiều thứ bảy về nhà mẹ khi bà cảm thấy không khỏe, vì sao đột nhiên có sự ham mê đạp xe đi dạo choán hết các ngày chủ nhật của anh. Em sẽ không mô tả cho anh những cảm giác của em khi ấy. Có đến nghìn năm nữa anh cũng không hiểu được điều đó. Không phải là sự đau đớn, mà là sự nhục nhã, tức giận và ghen tị.
Đúng, ghen tị với người phụ nữ đã có được anh là anh mà em chưa từng biết, nhưng đây mới là điều em không thể hình dung nổi, ghen với người phụ nữ đã có những phút giây tràn đầy hạnh phúc bên anh.
Em thấy lại những tháng năm sống bên cạnh anh, và em nghĩ tới sự côi cút của đời mình, tới những sự hy sinh vất vả, tới những ngày tháng giống hệt nhau đều đều, tẻ nhạt.
Em biết ở đây có phần là lỗi tại em. Em đã quá mải mê theo vai trò một người vợ mẫu mực, đôi khi việc đó lại làm em thấy thích thú. Em dọn dẹp nhà cửa, chi tiêu tiền bạc, sinh con đẻ cái. Em không thể tha thứ cho mình chuyện đó được: em đã tự xây cho mình một cái lồng, vứt chìa khóa đi và tự thuyết phục mình là bà chủ trong đó. Khi đọc hết lá thư nhặt được, em thấy mình là một bà lão không còn cơ may nào nữa, như một kị sĩ bị đặt lên lưng lừa thay vì ngồi trên một con ngựa thuần chủng. Tự em có lỗi trong mọi chuyện. Nhưng em nhận ra rằng tất cả những năm tháng đã qua anh đã dành cái phần xấu nhất của con người mình cho em. Anh đã buộc em phải suy nghĩ lại. Thoạt đầu em muốn nói chuyện thẳng thắn với anh, sau đó phản bội anh rồi bỏ đi. Nhưng cả ba giải pháp ấy em đều không thấy thỏa mãn.
Sau đó em nhớ lại cảnh anh thường ở nhà như thế nào, nhớ lại những thói quen bất di bất dịch của anh từ bao lâu nay. Em biết giờ này anh đã uống hết khẩu phần rượu mà bao giờ sau bữa ăn anh cũng uống khi ngồi vào ghế bành đọc báo. Còn bây giờ chắc anh sẽ rót cho mình thêm nữa, nhiều hơn lên – như cách anh vẫn thường làm vậy khi có chuyện bực mình.
Trong cảnh ngộ đó anh sẽ biết rõ hơn cái cảm giác uất nghẹn xuất hiện ở em không chỉ là do sự hằn học gây nên.
Em hy vọng là anh hiểu.
Vợ của anh”.
Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga
Tạp chí “Văn học nước ngoài” (Inostranaya Literatura) 12/1997.
Barbara Garlaschelli (Nhà văn nữ Italia, sinh 1965)