
Bàn tay mang hoa đến
Có một tích truyện của nhà Phật như thế này: Thời Đức Phật còn tại thế, có một người đàn bà tên là Gotami, con trai của bà vừa mới chết, bà đi khắp mọi nơi tìm người cứu sống con mình. Thấy vậy có người động lòng thương chỉ cho bà đến gặp Ðức Phật xin giúp đỡ. Bà tìm đến Ðức Phật than khóc cầu xin Ngài cứu sống đứa con. Ðức Phật trả lời một cách từ mẫn: “Tôi có thể cứu sống được con bà, bà Gotami ạ. Nhưng trước tiên bà phải đem cho tôi một hạt giống lấy từ một nhà chưa từng có người chết”. Gotami nghe xong liền cáo từ Ðức Phật đi tìm hạt giống, nhưng nơi nào bà đến, gia đình họ cũng có người đã chết. Bà đã hiểu ra và chấp nhận sự thật về cái chết của con trai mình.
Đó là một ẩn dụ sâu sắc về đời sống. Không nơi nào trên thế gian này không có nỗi đau khổ. Và mỗi con người trong cuộc đời mình, nhất định sẽ nếm trải khổ đau, chỉ khác ở cách người ta đi qua khổ đau như thế nào.
Tôi nhớ đến tích truyện này khi đọc lại bài thơ “Trong bệnh viện tâm thần” của nhà thơ Dư Thị Hoàn. Văn học Việt Nam những năm đầu đổi mới bùng nổ tên tuổi của những Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, và một người phụ nữ: Dư Thị Hoàn. Năm 1988, tập thơ Lối nhỏ của Dư Thị Hoàn ra mắt người đọc, ngay lập tức nó trở thành một hiện tượng của thơ Việt. Người ta nói đến nó ở mọi diễn đàn văn học, người ta chép trong sổ tay, báo chí liên tục viết về Lối nhỏ. Dư Thị Hoàn được mời đến các cuộc nói chuyện văn chương của các đại học lớn trong cả nước. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, gương mặt xinh đẹp đôi mắt sáng ngời và phong thái tao nhã ngập tràn trên các báo. Dư Thị Hoàn mang đến một phong cách thơ hoàn toàn khác biệt, nằm ngoài mọi kinh nghiệm thẩm mĩ của người Việt, khước từ lối viết truyền thống, tấn công dữ dội vào những thói quen thưởng thức và sáng tạo cũ. Dư Thị Hoàn, chỉ một bước chân, đứng hẳn vào trung tâm của đời sống thơ ca Việt Nam lúc bấy giờ.
Nhưng ít người biết, Dư Thị Hoàn đã viết tập thơ Lối nhỏ như thế nào, và càng ít người biết thơ đóng vai trò gì trong đời sống của người phụ nữ đó.

Dư Thị Hoàn tên thật là Vương Oanh Nhi, người Hoa, sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Trong cuộc di tản của Hoa kiều khỏi Việt Nam những năm 1978-1979, gia đình Vương Oanh Nhi rời Hải Phòng ra đi. Người phụ nữ người Hoa bé nhỏ đó ở lại cùng chồng con, chấp nhận đương đầu với thử thách, quyết gắn bó với quê hương thứ hai của mình: Hải Phòng – người mẹ hiệp sĩ/Lưu giữ nụ cười tha hương/Mảnh vườn ươm khốn khổ/Có hạt gạo và cơn bão đầu mùa (Du nữ ngâm). Nhưng không ai có thể lường hết được những tàn khốc của thời cuộc giáng lên đầu mỗi cá nhân. Ở lại Việt Nam, Vương Oanh Nhi sống trong sự ghẻ lạnh, kì thị, xua đuổi của người Việt. Cô tiểu thư ngày nào sống trong nhung lụa, giờ làm đủ nghề để kiếm sống nuôi con, nơi này xua đuổi nơi kia từ chối, chị cắn răng bươn chải. Ngây thơ, chị còn tưởng sự lam lũ, lấm láp đến tận cùng của mình sẽ giúp chị được cái cộng đồng đang sôi sục căm hận kia chấp nhận. Nhưng chị đã nhầm. Chị bị đẩy ra ngoài lề. Sự kì thị nặng nề đến nỗi ngay cả gia đình cũng mệt mỏi, họ không chịu nổi nữa, họ xa lánh chị như xa lánh một mối họa cứ hiển hiện ở đó, bất chấp những nỗ lực tuyệt vọng tìm kiếm sự cảm thông. Ai đã từng sống qua thời đại bão tố đó, ắt sẽ hiểu bầu không khí ngột ngạt khủng khiếp đè nặng lên cuộc sống như thế nào. Người bình thường đã khó sống, người phải vật lộn giữa trùng trùng thù hận, miệt thị sẽ đau khổ nhường nào. Cái gì đến cũng phải đến, Vương Oanh Nhi tìm cách tự sát. Sau ba lần tự hủy không thành, cuối cùng chị phát điên phải đưa vào bệnh viên tâm thần. Tập thơ Lối nhỏ, kì lạ thay bắt đầu được viết trong bệnh viện tâm thần ngày đó. Tôi muốn nhắc đến bài thơ Trong bệnh viện tâm thần, bởi bài thơ cho tôi sống với chiều sâu cảm xúc và tinh thần của một người đàn bà khổ đau tận cùng, nhân hậu tận cùng.
Buổi sáng, bác sĩ lại khám bệnh
Buổi tối, ngủ bằng thuốc an thần
Mọi người đều rất yên tâm
Khi thấy tôi không còn khả năng đập phá
Đây là lời của người điên tự nói về mình. Như một nhân cách khác đứng ngoài nhìn vào vở kịch đang được diễn. Người đó nhìn thấy cái vòng lặp đều đều của thuốc men và bác sĩ, sự bảo hiểm đáng tin cậy nhất cho một người bệnh. Người đó nhìn thấy sự an tâm của người khác khi bệnh nhân không thể phá phách được nữa. Sự điên loạn ắt phải dữ dội lắm mới khiến mọi người xung quanh làm mọi cách để kiềm chế. Người đó nhìn thấy được cả cảm giác nhẹ nhõm của những người đang chịu đựng cơn điên của mình. Vậy, người này có điên không? có điên không khi mà nhìn rõ cả sự kiện lẫn cảm xúc của tất cả!
Đào tạo một bác sĩ
Có giản đơn đâu
Còn những vỉ thuốc hiệu nghiệm kia
Tính bằng ngoại tệ
Tôi bật cười-căn bệnh này tốn phí đến thế
Cũng ái ngại cho những người chuyên cần phục dịch vậy quanh
Đọc những câu thơ này, tôi luôn cảm nhận một cái gì rất đau đớn dâng lên. Đằng sau những câu chữ thật tỉnh, thậm chí thấp thoáng nụ cười kia là một cảm giác bất lực tột cùng. Như có một linh hồn bị nhốt chặt trong căn phòng bằng thép, không một khe hở để thoát ra. Nó nhìn thấy hết, nhìn đến cả những vô lý, vô nghĩa mà người khác đang làm quanh mình mà không thể cất tiếng nói với họ: hãy dừng lại đi!
Không ai chữa khỏi được bệnh tâm thần bằng thuốc và dịch vụ y tế, dù đó là những dịch vụ cao cấp nhất. Bởi bệnh tâm thần là lối thoát của khổ đau. Nhiều người nói rằng khổ đến phát điên. Sai lầm. Điên là cách để người ta sống sót qua đau khổ. Là cách để một con người tự cứu. Bởi nó còn muốn sống nên nó cần “phát điên”. Để những bấn loạn tinh thần cực điểm không đẩy nó vào tự hủy, nó cần một phương cách khác. Nhưng sâu thẳm bên trong một người điên luôn là một linh hồn tỉnh. Đi đến tận cùng bản ngã, khi đã liễu trừ hết, ai cũng có một chiều sâu thăm thẳm khôn cùng của sự thanh sạch, tốt đẹp và bình an. Chỉ cần biết cách khơi lên hương thơm của sự tỉnh giác tuyệt vời đó, người ta sẽ thoát khỏi khổ đau. Có lẽ đó là điều đã đến với nữ thi sĩ khi chị viết:
Tôi sẽ khỏi bệnh
Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy
Không cần bác sĩ
Không cần những viên thuốc đắt tiền
Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến
Một nhành hoa dại thôi!
Chỉ một nhành hoa dại, đơn sơ và bình dị là đủ. Liều thuốc duy nhất chữa lành mọi tổn thương là nhành hoa ấy sao? Không phải vậy. Liều thuốc là bàn tay kia, run rẩy mang nhành hoa đến. Bàn tay nào không rõ, nhưng đó là tình yêu thương, là từ tâm lan tỏa. Chỉ cần vậy thôi, bầu trời mênh mông của bình an sẽ hiện ra với kẻ đang đau khổ. Những nặng trọc của cuộc đời ô tạp sẽ được rửa trôi một cách kì diệu, để tiếng hát dịu dàng lại cất lên bên khung thêu ngày cũ.
Nhưng, không có bàn tay nào đem hoa đến. Chắc chắc vậy. Bởi thế mới nói, không thể tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài. Mọi ngoại lực, dù giá trị đến mấy cũng bấp bênh vô vọng như chính sự may rủi. Chờ đợi sự giúp đỡ là khao khát của tất cả chúng ta trong bi kịch. Nhưng không sự giúp đỡ nào đủ để ta ra khỏi bi kịch một cách an toàn. Những tổn thương bên trong không thể vá lấp từ bên ngoài.
Vương Oanh Nhi đã khởi phát làm thơ trong những ngày ở trại tâm thần. Và cứ mỗi bài thơ ra đời, chị lại tỉnh ra một chút. Sau ba năm vật vã trong bệnh viện, người đàn bà ấy trở về với cuộc sống, như chưa từng có một lần điên. Lối nhỏ được xuất bản với bút danh Dư Thị Hoàn. Một người phụ nữ khác hiện diện với đời, vẫn xinh đẹp như xưa, sắc sảo như xưa, cuốn hút như xưa, nhưng bên trong con người đó, tất cả đã khác. Chị đã tự chữa lành.
Và tôi hiểu, bàn tay mang hoa đến, thật quý nếu là của những người yêu thương ta. Nhưng giá trị tuyệt đối, là chính bàn tay mình, bởi mỗi chúng ta đều là một nguồn năng lượng thần kì có thể tự kéo mình ra khỏi khổ đau. Nguồn năng lượng không bao giờ vơi cạn đó ở Dư Thị Hoàn đã khiến chị trở thành một trong những nhà thơ nữ thành công nhất của Việt Nam. Rồi sau đó, giàu có, nổi tiếng, chị bỗng nhẹ nhàng trút hết, tìm đến một thung lũng đẹp như tranh của Đà Lạt, dựng căn nhà gỗ, sống một mình với thiên nhiên và cõi lòng bình thản, thỉnh thoảng xuất hiện giữa bạn bè trong tiếng cười giòn tan đầy quyến rũ./.
Thanh Huyền
Hà Nội, tháng 6 năm 2020