
Bèn xem phim để…. quên
5/6/2020, Radical Studios và Mandalay Picture cho ra mắt bộ phim hành động có tên “The last day of American crime” (Ngày cuối cùng của tội phạm Mỹ). Phim được chiếu cùng lúc ở các hệ thống rạp và trên Netflix, đúng tinh thần của thời đại số hoá phục vụ nhu cầu cá nhân hoá giải trí. Lập tức, bộ phim không hề tệ ấy nhận được rất nhiều phê phán, thậm chí còn bị đánh giá có… 0% trên Rotten Tomatoes, một trang chuyên về đánh giá điện ảnh. Lý do cơ bản của việc bộ phim không dở ấy bị “ghét” rất đơn giản: Thời điểm ra mắt của nó bị cho là vụ lợi.
Trước khi “The last day of American crime” được công chiếu khoảng một tuần, George Floyd, một người Mỹ gốc Phi 46 tuổi, đã tử vong sau khi bị cảnh sát khống chế ở Minneapolis. Công luận quy tội cho Derek Chauvin, cảnh sát da trắng Mỹ, là thủ phạm gây ra “án mạng” khi dùng đầu gối đè lên gáy của Floyd khiến ông ta không thở được. Và bắt đầu từ đó, phong trào “Black Live Matter” (BLM) vốn khởi phát từ 2013 sau vụ Trayvon Martin bị bắn chết đã hồi sinh. Nước Mỹ chìm vào hỗn loạn. Thậm chí, tổng thống Mỹ Donald Trump còn phải tính đến khả năng có thể huy động quân đội để thiết lập lại trật tự.
Và chỉ sau khi các cuộc hỗn loạn ở Mỹ xảy ra khoảng chưa đầy 1 tuần, ở Paris, 20 ngàn người da màu cũng đổ ra đường để khai quật lại một vụ cũ rích tương tự. Adama Traore, một người Pháp gốc Mali, đã tử vong trên xe cảnh sát khi bị giải về đồn vì tội không mang giấy tờ tùy thân và bỏ chạy khi cảnh sát kiểm tra vào năm 2016. Trong suốt 4 năm qua, chẳng ai nhớ đến Traore. Bỗng dưng, cái chết của Floyd với đôi nét tương đồng đã khiến cái tên ấy sống dậy và thành biểu tượng cho các cuộc biểu tình. Anh Bèn giật mình khi các sự kiện ấy, các cái tên ấy hiện ra trên các trang tin mỗi ngày. Tại sao lại có sự trùng hợp đến kỳ lạ như thế nhỉ? Floyd là tên một nhân vật đầy thân phận trong cuốn phim âm nhạc lịch sử có tên “The Wall” của đạo diễn Alan Parker ra mắt năm 1982 dựa trên tinh thần xuyên suốt trong album cùng tên của ban nhạc Pink Floyd. Adama Traore thì có tên y chang với 5 ngôi sao bóng đá gốc Phi đang chơi chuyên nghiệp ở châu Âu (có lẽ đây là một cái tên phổ biến?). Còn tay cảnh sát da trắng đã đè cổ Floyd ở Minneapolis thì có cái họ đủ nói lên tất cả. Chauvin chính là cái họ của người lính cuồng tín có tên Nicolas trong đội cựu cận vệ của Napoleon và cái họ đó sau này được dùng để đặt tên cho một chủ nghĩa: chủ nghĩa Sô Vanh.

Bây giờ thì anh Bèn quay lại với bộ phim “The last day of American crime”. Đúng là nó có toan tính khi lựa chọn thời điểm để ra mắt bởi các khung cảnh hỗn loạn trong phim mô tả về một xã hội Mỹ (tưởng tượng) không hề khác gì những thứ đang diễn ra ở Mỹ khi phong trào BLM sống lại. Mở đầu phim, mới chỉ ở khoảng phút thứ 5 thôi đã là những tiếng nổ, những náo loạn, những cướp bóc cửa hàng. Phản ứng của khán giả Mỹ với bộ phim chính là bởi xã hội Mỹ hiện thời cũng đang diễn ra những cảnh cướp phá như thế. Nhưng xét ở một chiều khác, anh Bèn đành phải thừa nhận rằng bộ phim thực tế mới là nạn nhân của những hỗn loạn ngoài đời. Không có các sự kiện nhân danh phong trào BLM khắp các tiểu bang ở nước Mỹ thì các thước phim kia cũng vẫn mô tả một xã hội Mỹ bỗng dưng rơi vào tình trạng vô kỷ luật. Thậm chí, bộ phim cũng chỉ dựa vào một nguyên tác văn học đã xuất bản từ 11 năm trước chứ không phải là một ý tưởng mới mẻ gì. Và các cuộc bạo loạn kiểu này cũng không phải chưa từng xảy ra ở Mỹ bao giờ. Điển hình là các cuộc bạo loạn 1992 ở Los Angeles; 1968 ở Detroit và sau đó tràn ra 110 thành phố khác toàn nước Mỹ sau vụ ám sát mục sư Martin Luther King; 1967, 1943 cũng ở Detroit và điển hình hơn cả là vụ 1863 ở New York để chống lại luật quân dịch bắt buộc.
Nhưng có lẽ, trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ, chưa có cuộc bạo loạn nào kỳ lạ như vụ liên quan đến cái chết của George Floyd. Nguyên nhân của nó không mang sức nặng như vụ 1968 hay 1863 nhưng độ lan toả của nó thì lại kinh hoàng hơn khi mà nó đã lan rộng tầm ảnh hưởng ra ngoài cả biên giới Hợp chủng quốc. Anh Bèn nhận thấy rằng, chính mạng xã hội là thứ đã khiến các phong trào ngày hôm nay lớn mạnh nhanh chóng một cách lạ kỳ. Nếu như lùi tiến bộ công nghệ của loài người chậm lại như thời kỳ nửa thế kỷ trước, cái chết của George Floyd không thể tạo nên làn sóng kinh hoàng đến thế. Dễ hiểu, Derek Chauvin đã giết Floyd bằng cái đè cổ khống chế quá đà về thời gian (thực tế, cảnh sát Mỹ toàn khống chế kiểu đè cổ này) còn cái camera trên điện thoại của người qua đường đã “giết” sự nghiệp của Derek. Rồi kế tiếp, mạng xã hội và kiểu chia sẻ vô tội vạ của “quần chúng nhân dân anh hùng mạng” hôm nay đã giết luôn sự bình ổn của xã hội mà số phận của bộ phim “The last day of the American crime” chỉ là một nạn nhân điển hình trong số thiên hình vạn trạng nạn nhân khác.
“Toàn nhân loại, ai đang ở đâu cứ ngồi yên chỗ đó”, cách đây vài tháng anh Bèn đã muốn gào lên như thế khi Covid-19 tràn đến và tạo ra hàng loạt các đợt cách ly xã hội toàn cầu. Vậy mà bây giờ, khi lệnh cách ly vừa mới được lục tục dỡ bỏ đây đó thì toàn nhân loại đã ùn ùn đổ ra đường để trút cơn thịnh nộ. Tự dưng, anh Bèn chỉ muốn hét lên “Chúa ơi, giống người điên hết mẹ nó rồi”…
Và đúng vào cái lúc cao trào điên loạn của giống người, anh Bèn mở lại những thước phim cũ để hòng tìm nơi đào thoát. Nhưng dường như đã thành cái điềm ám quẻ, ngay cuốn phim đầu tiên anh mở xem, một cuốn tư liệu, thuần túy về âm nhạc, lại có ngay đoạn mở đầu đập cho anh Bèn choáng váng. Đó là cuốn phim về cuộc đời và sự nghiệp của Miles Davis, huyền thoại nhạc jazz, một trong số hiếm hoi những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với bộ mặt văn hoá đương đại của Hoa Kỳ, người gây ảnh hưởng rất lớn cho vô số các nghệ sỹ lừng lẫy sau này. Đó là đoạn phim kể về lúc Miles Davis quyết tâm đi học ở trường nhạc Julliard, New York, khi ông mới 18 tuổi (năm 1944). Khi ấy, rất nhiều người Mỹ gốc Phi đã chê bai ông rằng “Tại sao lại đi học nhạc của lũ da trắng” và doạ ông đại ý nếu học nhạc “của bọn da trắng” thì sẽ không thể chơi phóng khoáng và tự do như cách chơi của người gốc Phi. Năm 1944 ấy nằm trong một tronng những giai đoạn đỉnh điểm của giai đoạn đấu tranh bình đẳng chủng tộc trong xã hội Mỹ khi vụ bạo loạn chủng tộc tại Detroit mới chỉ diễn ra trước đó vài tháng. Cái quan niệm “nhạc của lũ da trắng” có phải là kỳ thị không? Anh Bèn khẳng định chắc chắn đã mang quan niệm ấy thì kiểu gì cũng có tâm thức kỳ thị. Vậy thì có hay chăng việc các chủng tộc bị chèn ép, bị kỳ thị đã vô thức phản ứng lại theo quán tính “ông kỳ thị tôi thì tôi kỳ thị lại ông”.
Dĩ nhiên, Miles Davis không nghe lời khuyên can kiểu trên bởi nếu nghe theo họ, ông sẽ không thể vĩ đại được bằng sự hoang dã bản năng của mình bất chấp nó có “nghệ” đến mấy. Có lẽ, bài học đầu đời khi còn chơi trong ban nhạc trường trung học, khi tay trống yêu cầu chơi một trích đoạn mà ông đã không thể thực hiện nổi chỉ bởi không biết đọc tổng phổ. Nói gì thì nói, kỳ thị gì thì kỳ thị, âm nhạc và các nhạc cụ đại chúng hiện nay đa số đều là những tạo tác tuyệt vời nhất của nền văn minh phương Tây. Và khi một người như Miles Davis đã cầm vào cây trumpet để mượn nó mà bày tỏ tâm hồn mình, công cụ “của bọn da trắng” ấy là không thể bị kỳ thị và sự cậy nhờ của ông vào nó là không thể phủ nhận.
Nhưng sau này, khi mà hip-hop trở thành thời thượng, cái cách người gốc Phi kỳ thị lại dân da trắng một cách rõ nét là có. Tất nhiên, người da trắng cũng chẳng phải toàn bộ đều tiến bộ và “ngoan hiền”. Thái độ kỳ thị vẫn còn tồn tại nhưng chỉ còn trong thiểu số, khi thế giới hôm nay đã phải ghi nhận quá nhiều thành tựu của những chủng người khác màu da với họ. Song, sâu thẳm của những bạo loạn lan tràn dưới màu cờ BLM kia có phải là do nguyên nhân kỳ thị chủng tộc hay không? Anh Bèn nghi lắm lắm.
Trong cuốn phim “Gangs of New York”, cuốn phim xây dựng bối cảnh diễn ra đúng thời điểm của cuộc bạo loạn chống quân dịch 1863, có một câu thoại của nhân vật Đồ Tể mà anh Bèn phải dừng lại rất lâu để ngẫm nghĩ. “Nhịp điệu lục địa đen quẳng vào nồi nấu với điệu Shindig xứ Ireland và khuấy lên vài lần sẽ đổ ra thứ Hoa Kỳ hổ lốn loè loẹt”, câu thoại ấy đã được phát ngôn bởi tay trùm của băng đảng “Dân bản xứ”. Cuộc chiến giữa băng dân bản xứ với các sắc dân khác xoay quanh việc chiếm cứ địa bàn “Khu ngã năm” trong phim ấy chính là cuộc chiến dằng dai mà nước Mỹ đã trải qua suốt 300 năm. Nhưng kể từ thập niên 90, khi tiếng nói của người gốc Phi bắt đầu mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cuộc chiến đó không còn nữa. Có chăng nó chỉ là cuộc chiến mang tính cá nhân giữa cá thể người này với cá thể người khác chứ không thể lan ra thành cuộc chiến giữa hai cộng đồng. Nhưng cái thứ “Hoa kỳ hổ lốn loè loẹt” thì vẫn còn nguyên si. Cái hổ lốn loè loẹt này không đến từ chuyện quốc gia liên bang đó đa dạng sắc dân mà cơ bản là do chính áp lực của một xã hội tiêu thụ và vận động tốc độ. Nó có thể là cái nôi ru những giấc mộng lớn nhưng nó cũng có thể là cái cối xay thịt nếu một ngày nào đó có sự chệch choạc vì tác động từ bên ngoài hay xáo trộn nội tại. Và khi phải sống như đi dây giữa một bên là thiên đường, một bên là địa ngục, chính cảm giác chênh vênh, lo sợ một ngày mai mất sạch tất cả đã dồn nén để xã hội bùng nổ các cơn hỗn loạn. Mà rủi thay, văn hoá Mỹ xâm chiếm thế giới cũng nhanh chóng trong suốt khoảng mấy thập niên qua nên các xã hội phương Tây khác cũng dễ gặp phải các tổn thương lớn như xã hội Mỹ. Đó là lý do BLM lan ra châu Âu rất nhanh, trở thành “tiếng nói của tiến bộ” trong khi chẳng một ai nhớ đến một dạng “cải cách ruộng đất” ở Nam Phi cách đây chưa lâu với chủ trương lấy lại đất của người da trắng để quy hoạch cho người Phi bản xứ.
Anh Bèn nhớ trong cuốn phim cực khó xem có tên “The Little Big Short”. Bộ phim xây dựng dựa trên những con người thật, sự kiện thật là sự kiện khủng hoảng tài chính 2008 với cú sụp đổ lịch sử của Lehman Brothers. Một nhóm những người “cực thông minh”, “đầy kinh nghiệm” và vô cùng liều lĩnh trong giới tài chính đã đầu cơ dựa trên phỏng đoán kinh tế Mỹ sụp đổ. Họ chú ý vào lĩnh vực nhà ở, vốn dĩ được mua trả góp là đa số, và từ đó hình thành các khoản nợ mà trên cơ sở ấy các ngân hàng, qũy đầu tư, công ty tài chính có thể phát hành trái phiếu. Không thể nào quên được cảnh hai nhân vật Shipley và Geller nhảy cẫng lên ăn mừng khi nhận thấy dự đoán của mình đang đi vào qũy đạo và các đầu cơ sẽ mang lại quả đậm. Ngay lúc ấy, nhân vật “cáo già” cùng làm ăn với họ là Rickert đã nghiêm mặt mắng họ, yêu cầu họ không được thể hiện sự vui mừng. Cơ bản, Rickert là một cáo già tài chính nhưng vẫn còn cái tâm của con người. Ông ta nói “Chúng mày có biết là chúng ta vừa đặt cược vào sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ không? Có nghĩa là nếu chúng ta đúng, người ta sẽ mất nhà, người ta sẽ mất việc, người ta sẽ mất tiền tiết kiệm dưỡng già, mất lương hưu. Tao ghét nghề tài chính này vì lý do gì chúng mày biết không? Nó làm ta chỉ nghĩ đến con số. Thì số đây này. Tỷ lệ thất nghiệp tăng 1% thôi là 40 ngàn người sẽ chết. Chúng mày biết điều đó không?”. Câu thoại ấy chỉ rõ bộ mặt của xã hội hiện đại là như thế nào. Đúng là hôm nay có thể ra đường trong xe hơi sang trọng đắt tiền, sinh hoạt ở mức cao, nhà đẹp lồng lộng nhưng ngày mai có thể sẽ khác. Chỉ một biến động lớn gây sốc thị trường thôi, việc làm sẽ mất, ngân hàng sẽ xiết xe, xiết nhà và lúc ấy đến đồ ăn nhanh cũng còn phải tiết kiệm và toan tính chứ đừng nói gì đến champagne Dom Perignon và món trứng cá đắt tiền.
Chính sự bấp bênh ấy của thời cuộc mới là động cơ thúc đẩy các chống lại quy tắc ứng xử của cả một cộng đồng. Những mất mát, rủi ro được dồn trách nhiệm lên chính phủ và khi chính phủ chưa có giải pháp, những vụ việc kiểu George Floyd sẽ là giọt nước tràn ly để con người ta lao ra đường. Cướp phá lúc đó sẽ được bào chữa rằng “khi chính phủ không quan tâm đến chúng tôi, tự chúng tôi sẽ phải tìm cách sinh tồn”. Bởi vậy, tại sao BLM không chỉ là tuần hành đơn thuần với bandroll, biểu ngữ như bao nhiêu cuộc tuần hành từng có trong lịch sử mà nó lại bị làm vấy bẩn bởi một lực lượng rất đông không đi theo tôn chỉ BLM đề ra và thay vào đó là động cơ riêng mang tính trục lợi.
Còn những người cảnh sát như Derek Chauvin thì sao? Họ có sô vanh? Thật ra, đè cổ khiến một người chết sẽ để lại sự day dứt và ân hận suốt đời. Loài người là giống loài dã man nhưng không phải ai cũng có cái máu hiếu sát trong mình. Anh Bèn tin, mồm to thì đầy, chém gió thì máu lắm nhưng thử đưa khẩu súng bảo bắn chết một kẻ thù nào đó, đa số sẽ sợ rúm ró ngay cả khi không chịu sự chi phối của bất kỳ luật pháp nào. Derek Chauvin cũng như bất kỳ tay cảnh sát nào ở bất kỳ quốc gia nào mà thôi. Họ sống bằng đồng lương và chính họ cũng đang đi trên dây bấp bênh như bao người khác. Nhưng họ lại có thêm thứ áp lực của công việc. Đó là ngày ngày phải đối diện với một đám người vô công rồi nghề nhưng vẫn được hưởng đầy đủ sự chăm sóc của một hệ thống an sinh xã hội ngang hàng như mình, chắc chắn họ sẽ có phản ứng tâm lý kiểu “Tại sao chúng ta lại phải hầu hạ một lũ vô dụng và ăn hại như thế này?”. Và thế là khi đối diện một trong những kẻ như thế, phản ứng ấy thúc đẩy thành hành động. Hơn nữa, nếu ông cảnh sát nào lại mang trong tâm tưởng cái suy nghĩ kỳ thị thì hành vi bộc phát sẽ càng tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn tới cộng đồng. Trong trường hợp của Derek Chauvin và George Floyd, không biết họ có mang ý nghĩ “kỳ thị chủng tộc” trong đầu không nhưng bản thân Floyd có một lý lịch tư pháp không hay ho gì khi chuyện vào tù ra khám là có, chuyện sử dụng ma túy là có, chuyện trộm cắp cũng là có. Ông ta chính là một trong những đại diện khiến những người như Chauvin luôn đặt ra câu hỏi áp lực mỗi ngày. Chuyện rất có thể là như thế nhưng dưới camera “thông minh” của một cá thể trong giống người thông minh, phát tán qua công cụ của một kẻ thông minh khác là Mark Zuckenberg, toàn nhân loại đã phải chứng kiến những cuộc đổ ra đường vô nghĩa và phi lý. Nực cười hơn nữa, ở Việt Nam, xứ sở chẳng có sự tồn tại của cái gọi là kỳ thị chủng tộc mà mới chỉ vật vã đấu tranh với kỳ thị vùng miền thôi, tự dưng có mấy kẻ “tiến bộ bất thần” đăng đàn kêu gọi “diễu hành chống nạn phân biệt chủng tộc” ở cầu Rồng – Đà Nẵng. May mà việc ấy không xảy ra chứ nếu nó mà trở thành sự thật, chắc cư dân mạng anh hùng nước ta lại có dịp được “chỉa nhau” một trận ra trò.
Anh Bèn chỉ nghĩ tại sao xã hội lại trở nên quái gở thế trong suốt gần hai năm qua. Đùng một cái biểu tình ở Hong Kong. Đùng một cái chiến tranh thương mại ì xèo. Song, đùng một cái có con Corona thế là biểu tình tắt ngóm, nơi nơi “đâu ở yên đấy” và các thể loại tình yêu sến súa lên ngôi dưới danh nghĩa “nhân bản”. Rồi con Corona mới hơi hơi bị trị êm êm thì đoàng một phát có anh gốc Phi tử nạn trời Minneapolis để cả thế giới xổ ra đường. Rồi vài bữa nữa, chuyện này cũng êm êm thôi nhưng cái gì sẽ “đùng đoàng” tiếp đây? Chuyện toàn như tưởng tượng từ các cuốn phim cả, cứ như thể loài người đã hình dung ra tương lai của mình từ rất lâu rồi. Thôi thế thì lại đành về mở phim xem tiếp để đoán xem tháng sau trần gian này có chuyện gì. Xưa các cụ bói Kiều thì anh Bèn bói phim. Tháng tốn có mấy trăm ngàn thuê bao cho anh Netflix thôi mà ra ối chuyện. Bổ phết…
anh Bèn