
Có ai thấy mình trong “Về nhà đi con”
Bạn tôi bị cha đuổi vì không chịu đi lấy chồng
Tôi còn nhớ, chị bạn tôi một hôm khóc nức nở, vì bị bố đuổi đi, vì chị đã quá tuổi mà chưa chịu lấy chồng. Nhà chị dân phố cổ, hẳn bố chị vì sốt ruột con cái quá, vì một hôm nào đó lỡ chén nồng chén say mà nói những lời làm tổn thương chị.
Đừng ai nói, phải xem cái chị gái ấy thế nào mới để bố nói vậy chứ, thời này là thời nào rồi. Vâng, thời này là thời nào mà để các ông bố bà mẹ day dứt đay nghiến vì sao con không chịu lấy chồng. Có lẽ, bao giờ chị tách được ở riêng, chị tự lo cho đời chị, khi ấy, bố chị có khi vẫn thương đứt cả ruột, mà sẽ không lỡ mở miệng trách móc chị đâu, bởi chị lại chẳng thèm về thăm đôi ba bữa, có khi lại nhớ, lại thương. Hoặc giả, chị nhắm mắt đưa chân lấy một anh giai già, để gọi là có chồng, lúc ấy nếu tốt số thì được phúc chồng con, mà không thì lại khổ vì sai lầm cả một đời. Đến giờ tôi cũng chưa gặp lại chị nên không biết số phận chị đã tới đâu.

Theo thuyết nhân quả nhà Phật, lấy chồng cũng là nhân duyên từ bao đời bao kiếp. Nếu cái gì là nhân duyên, nó sẽ tới thật nhanh, ta khó có thể cưỡng lại được. Được cái thời nay, bọn trẻ nó giải quyết thật nhanh, không quá dai dẳng, ôm sầu bao nhiêu năm như các “đôi tình già” thời xưa. Hết tình yêu nhưng vẫn nhân danh vì con vì cái mà chung nhà, chung mâm mà không thể chung giường vì quá ghê tởm nhau.
Ông bố trong “Về nhà đi con”, day dứt đến bao năm, vì cái sĩ diện thời tuổi trẻ, khi bị chúng bạn cười chê trên bàn nhậu là không có con trai, để khi vợ chết khi sinh đứa con gái thứ ba, ông ôm một nỗi sầu thê thảm. Lúc ấy, mới thấy quá khứ dằn vặt vợ, dằn vặt con, đập phá mâm cơm, chê vợ không biết đẻ, thật là u ám, hơn là cái sự một mình nuôi con trong bao năm qua của ông.
Đời một người đàn bà, gia đình êm ấm, con cái ngoan lành, thế là tốt phúc lắm rồi. Ông Sơn có 3 cô con gái đều yêu ông cả 3. Chẳng đứa nào phá phách làm ông sầu não, chỉ có mỗi điều là hạnh phúc riêng của mỗi đứa con thì không ai có thể “bảo kê” được. Thế nên, khi con cái chưa trọn vẹn hạnh phúc, sóng gió tới từng người, thì đó là nỗi đau của người làm cha làm mẹ.
“Về nhà đi con”, đoạn khúc ông Sơn ôm Thư vào vỗ về, nói với con câu thủ thỉ ấy, đã đốn tim bao khán giả, lâu lắm rồi mới có bộ phim lấy được nước mắt của khán giả như ở trường đoạn ấy.
Tôi lại nhớ mẹ tôi, mỗi khi có chuyện, mẹ tôi bảo: “Thôi, ở nhà rau cháo nuôi nhau”. Ý nói, có tiền là tốt, có hạnh phúc gia đình là tốt, mà không có thì cũng không sao, về đây mẹ nuôi.
Thế cũng là câu an ủi, làm cho đứa con bớt phần nào cảm thấy cô độc, hoang mang trong cuộc đời này. Ai thật giả thế nào kệ người ta, chỉ biết tình mẹ tình cha, luôn bao dung với con cái.
Yêu phải chăng là thấu hiểu
Trong “Về nhà đi con”, Huệ – Khải vì “lệch tông”, không có sự chia sẻ với nhau, dằng dặc toàn sự ghen tuông, chính vì vậy mà không có hạnh phúc.
Vũ – Thư tới với nhau vì những mối ràng buộc đúng là chỉ có trong phim. Nhưng cái hay ở chỗ, nhờ cái cớ ấy mà diễn viên Bảo Thanh thể hiện được nội tâm của những người đàn bà “chờ chồng” trong đêm tối. Những cảnh như Thư ngồi bó gối trên giường, khi con thơ đang ngủ say, còn Vũ đang ôm hôn người khác. Sự việc xảy ra cùng lúc, người say mê, kẻ lạnh lùng… đồng hiện như cảnh đời đôi khi rất nghiệt ngã. Nhưng sống, có lẽ là trải nghiệm cảm giác. Đau đớn, buồn vui, tủi nhục, hạnh phúc, giống ái ố hỷ nộ sẽ từ từ mà trải qua trong đời mỗi con người.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết: “Thấu hiểu nỗi đau khổ của một người là món quà tuyệt vời nhất bạn có thể dành tặng cho người đó. Thấu hiểu là tên gọi khác của tình yêu. Nếu bạn không thấu hiểu, bạn không thể yêu”.
Ông Sơn tới với người đàn bà bán hoa trên phố, lúc đầu chỉ vì giống hình bóng của vợ ông, sau vì thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau gia đình với cô ấy. Đó đã là bắt đầu yêu.
Nhã vì hận, vì yêu lầm Vũ mà mang hận, mang mối trả thù mà không hiểu rằng, khi mình nuôi dưỡng sân hận, mình là người khổ đầu tiên.
Lẽ ra sau mối hận tình ấy, tài giỏi đến thế trong thương trường, Nhã sẽ gặp được tình yêu mới, mối lương duyên mới nếu biết buông bỏ sân hận. Đeo đuổi để trả thù, rồi Nhã sẽ được gì, đó là nghệ thuật của người viết kịch bản đã biết tận dụng tình tiết đó để xây dựng nhân vật trong phim của mình.
Nhưng qua đó, để đàn bà chúng ta hiểu rằng, nếu ta muốn gia đình, con cái được hạnh phúc, thì bản thân chúng ta phải là người hạnh phúc. Biến tất cả mọi thứ thành những niềm vui nho nhỏ, hài hước, nên vui tươi, can đảm tiếp nhận chuyện không vui, và thấu hiểu lẽ đời có không đều là nhân duyên.
Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn nếu ta chọn thái độ với đời bằng một sự bình tĩnh, biết buông bỏ và có tâm thế đón nhận.
Lam Tuệ