
Máu và nước mắt không phải câu chuyện để làm quà
Mấy tháng trước, mỗi tối lướt facebook, giữa đầy ắp trăm nghìn hình ảnh, đường link, những phát ngôn to tát hoặc nhạt nhẽo, những xô bồ đại chúng hoặc cực kỳ riêng tư hồn nhiên phô bày, mắt tôi luôn dừng lại ở một đoạn văn ngăn ngắn trên tường của một bạn mà tôi biết học Văn cùng trường, sau tôi nhiều năm, tên là Phan Thúy Hà. Đoạn văn ngăn ngắn ấy, chỉ đôi ba mươi dòng, thường kết thúc bằng hai từ: “Trích sách”, chữ thôi mà không có hình đi kèm. Đọc, rồi ám ảnh, bởi chỉ có chừng ấy chữ mà hôm nào cũng thấy như hiện lên trước mắt mình một thân phận nặng trĩu những nỗi niềm đeo bám từ thời còn chiến tranh. Đều là những chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong ở một làng quê xa xôi nào đó tận Hương Khê, Hà Tĩnh…Những lời kể rời rạc, có cảm giác đôi khi là thận trọng, nhưng chứa đựng bao nhiêu tâm trạng.
Tôi bắt đầu chờ sách của Phan Thúy Hà.
Thứ nhất, vì những lời kể ấy ám ảnh và hấp dẫn. Số phận của những nhân vật được phỏng vấn trong sách đều là những người lính và TNXP tham gia chống Mỹ và hầu như vô danh.
Thứ hai, vì cách ghi chép, cách hỏi và viết lại những lời kể mà các nhân vật đi qua chiến tranh của một tác giả trẻ, sinh ra 4 năm sau 1975, có cái gì đó khiến tôi liên tưởng đến Svetlana Alexievich, Nobel văn chương 2015, với “Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ”. Nghĩa là không phải viết về chiến tranh mà về những người trong chiến tranh, không phải viết lịch sử chiến tranh mà lịch sử về cảm xúc. Mà cảm xúc, đã lâu rồi có ai hỏi những thanh niên tuổi đôi mươi hăng hái lên đường giết giặc ngày ấy giờ sống và nghĩ ra sao trong những xóm làng hẻo lánh, nghèo nàn? Vấn đề hậu chiến và những gánh nặng tâm lý không phải vấn đề của riêng quốc gia nào, đó là vấn đề của con người. Lâu rồi, chúng ta phó mặc câu trả lời cho Bộ Lao động Thương bình và Xã hội. Và chỉ ào lên khi có một sự việc nào đó sai trái trong chính sách được công bố trên báo chí, chỉ nhộn nhịp mỗi năm vào dịp 27-7, rồi bỏ quên gần như tất cả, thậm chí ngay với người trong cuộc, chiến tranh là điều không muốn nhắc lại.
“Đầu tiên, cũng rất khó để hỏi, vì chưa quen, nhiều bác không muốn nói. Nhưng khi một bác đã kể, và khi em đã quen cả làng, thì người nọ gọi điện cho người kia để kể”. Kể xong, mà chẳng biết bao giờ mới xong, những dòng hồi ức liên miên, nhưng kể xong rồi, lại có khi ngần ngại “Đừng kể tên tôi”, tên sách là bởi thế. Còn sống, là may mắn hơn những đồng đội không trở về.
“Cứ gặp một người xong về đầu óc em lại ngất ngây chị ạ – Phan Thúy Hà kể với tôi – Nói chị đừng cười chứ nhiều hôm gặp nhân vật về em đứng khóc cho bớt nặng nề ở góc khuất rồi mới về”.
Hà mới hỏi chuyện được khoảng 60 người, và chưa hết, còn nhiều lắm những người định gặp. Cái xã nhỏ bé quê hương Hương Khê của Hà những 109 liệt sĩ, tham gia chiến đấu hầu như gia đình nào cũng có người và không chỉ một. Những người nông dân thầm lặng ấy hóa ra đã từng là Anh hùng LLVT. Nghe chuyện các bác, các cô, vừa muốn khóc vì thương, vì cảm động, vì kính phục. Nhưng cũng có rất nhiều người thoạt tiên không muốn kể lại chuyện mình, sợ nói hết lại làm ảnh hưởng con cái. Có người con cái gọi điện về dặn đừng kể nhiều quá, chẳng ích gì đâu. Chiến tranh qua lâu quá rồi.
Viết được 1/3 cuốn, Hà nản quá định bỏ. Vì những điều nghe được nặng nề, vì thời gian của Hà cũng không có nhiều. Mùa hè. Xách con về quê, đưa con đến nhà nhân vật để nghe các bác nói chuyện. “Lê la, ăn chực…, Hà cười, có cô kể chuyện với em từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, rồi dậy đi làm đồng, em cũng theo ra đồng. Có chú bị em “hành”, hỏi nhiều quá đến nỗi khi em ra Hà Nội, chú ở nhà phát ốm…”. Phan Thúy Hà thành người thân của các cô, các chú cựu chiến binh, cựu TNXP, như con cái, như ruột thịt. ..Tất nhiên như thế, phải bỏ công sức ra nhiều lắm. Có những ngày để con lại cho chồng chăm, một mình đi đến ngôi làng xa hun hút, không đèn, xe thủng săm, vừa đẩy xe vừa khóc vì tủi thân. Nhưng là mình muốn chứ chẳng ai bắt, cả một thế hệ cha anh ra chiến trường trở về, biết bao câu chuyện cần kể lại nhưng giờ ai nghe nữa? Những câu chuyện có lẽ là hay nhất của cuộc chiến, không phải chiến thắng nọ hay chiến thắng kia, mà là tình cảm của những người trong cuộc, sự chịu đựng và hy sinh vô bờ bến của những người lính vô danh. Nếu không còn dịp để kể, các bác ấy sẽ mất dần, đều ở tuổi trên 70, 80 cả rồi, có những câu chuyện hay tuyệt vời sẽ theo xuống lòng đất và lặng im vĩnh viễn.
Tôi không biết ở những thế hệ sau, còn cây bút quan tâm đến chiến tranh theo cách của Phan Thúy Hà nữa hay không? Nếu có, chắc cũng hiếm lắm. Cứ như số phận bảo Hà làm thế, mà ngoài chuyện số phận, thì còn là bởi Hà là con của một người lính, những người lính trong sách đều thuộc thế hệ cha Hà. Hà không chịu được sự hư cấu nào, dù nhỏ nhất. Như Hà nói “Máu và nước mắt không phải câu chuyện để làm quà”.
“Viết hết ra không những gì được nghe kể lại?
Những cuộc gặp gỡ khiến đầu óc tôi hỗn độn.Tôi đã có mặt trong câu chuyện đó.
Tôi phải viết, bất hạnh của các chú các bác không vì tôi viết ra mà mất đi.
Chẳng có gì khác được khi các chú các bác đi gần hết cuộc đời …”
(Đừng kể tên tôi. Trang 329)
“Đừng kể tên tôi” của Phan Thúy Hà đã in xong, tôi đọc và nghẹn đắng vì những điều đã đọc, không phải vì những bất ngờ về tư liệu. Có đôi ba điều nói lại sau chiến tranh, như là chuyện ở Truông Bồn, nhưng cũng là chuyện đã nói, đã được làm rõ. Mà bởi trong sách, có một sự thật được ghép từ nhiều mảnh sự thật về chiến tranh được người trong cuộc kể lại chân thật và chi tiết đến mức có cảm giác máu tươi vẫn rỏ từ những vết thương từ nửa thế kỷ trước. Có sự khốc liệt đến tàn nhẫn và có những yêu thương dịu dàng đến vô hạn. Có những hy sinh dũng cảm, có cả sự sợ hãi, nhưng trên tất cả, là chữ NGƯỜI viết hoa, ở những câu chuyện được ghi lại, không thêm bớt, không hờn oán.
The Vietnam War, không phải trên phim của Mỹ mà trong lòng những người Việt, dù có viết đi viết lại bao nhiêu lần, thì vẫn thấy cái giá phải trả để có ngày thống nhất thật kinh hoàng. Tận cùng những nỗi đau, tận cùng những mất mát, nhưng cũng là tận cùng sự cao cả nhân cách và tình yêu lớn lao mà những thế hệ đi trước đã trải qua.
Trong cuốn sách của Hà!
“Năm năm chiến trường chẳng biết ngắn hay dài. Trời mưa ngồi uống chén rượu, ăn củ lạc là tôi lại nghĩ. Nghĩ hết thằng nọ tới thằng kia. Nghĩ thằng đã chết, nghĩ thằng đang sống. Dũng nhờ được đi học trở thành người duy nhất sống sót của đại đội. Oanh tai bị điếc đặc vì bắn B40 quá số quy định. Quy định một ngày bắn không được nhiều hơn sáu quả B40 Oanh bắn mười hai quả. Thực tế diễn ra không bắn không được.
Bom đạn ác liệt cỡ nào rồi cũng im. Còn lại trong trí nhớ là khuôn mặt bè bạn. Theo tuổi tác trí nhớ suy yếu dần mà sao khuôn mặt chúng nó lại hiện lên ngày một rõ ràng.”
(Trích sách)
Hà Phạm