
Mùa Covid
Má tôi đến bây giờ vẫn trách tôi rất nhiều vì bất hiếu. Nhưng nếu bà chịu lắng nghe những kinh nghiệm sống của tôi, có lẽ bà đã thấu hiểu bản thân và người khác hơn để không tự làm khổ mình đến vậy
Mùa Covid, má lên thăm tôi vừa đúng lúc thực thi lệnh giãn cách xã hội. Thời gian ở bên nhau rất nhiều và những sự xung đột càng có cơ hội được nảy nở.
Có hôm, bà cầm lấy tấm ảnh của tôi từ hồi 5 năm trước và khóc “Tại sao hồi đó xinh đẹp như zậy mà bây giờ lại zẩy?”.
“Zẩy” tức là hiện tại tôi đen vì nắng gió Tây Nguyên và cân nặng cũng đã tăng hơn 6,7kg so với hồi đó.
Bà cứ ôm tấm ảnh và khóc vì đứa con xinh đẹp của bà đã không còn. Bà không thể chấp nhận được hiện tại tôi không xinh đẹp như bà mong muốn. Bà không bao giờ hỏi tôi “Con có hạnh phúc không? Con có hài lòng với bản thân mình không?”. Cho dù tôi đã khẳng định rất nhiều lần “Con khỏe mạnh và con hài lòng cuộc sống của con”. Béo và đen có phải là tội ác đâu. Nếu bà biết tôn trọng sự khác biệt cá nhân thì bà cũng không phải đau đớn như vậy.

Cũng có hôm, bà rửa chén và đập ly chén loảng xoảng chỉ vì mỗi sáng pha nước dâng tận miệng nhưng tôi không uống ngay. Thật sự tôi cảm thấy không muốn phiền hà người khác như vậy. Nhưng tôi cũng nhẹ nhàng bảo “Để đó tí con uống”. Và bà bất lực “Uống chanh nghệ nóng mới tốt. Để nguội không tốt”. Khi tôi chưa làm theo ý bà, bà quay lưng vào rửa chén rồi loảng xoảng, khóc “Mày coi có ai bất hiếu như mày không? Con người ta phải làm cho cha mẹ uống. Tao làm cho mày uống mà mày còn không uống”.
Tôi biết má tôi thương con nhưng nhìn cách thương của bà tôi cũng muốn phát bệnh. Nên khi bà về, tôi chỉ cảm thấy như sự giải thoát. Còn bà thì tủi thân khi nghe một nhỏ em tôi kể khi nó sắp đi, đứa con gái 10 tuổi của nó khóc lóc buồn bã. Bà đang ăn, ngẫm đến tình cảnh của mình mà khóc vì mình sắp trở về nhưng con mình không buồn bã, khóc lóc như con nhà người ta.
Bà đang làm khổ bản thân mình và người khác mà không nhận ra. Chung quy cũng vì bà có quá nhiều vấn đề tâm lý từ nhỏ. Bà thiếu thốn tình thương nên xem con mình là chỗ dựa. Yêu thương nó nhưng cần nó phải báo đáp. Phải yêu mình như cách mình mong đợi.
Phải luôn kể công cho nó thấy bà đã vất vả ra sao, phải hô toáng lên kiểu chúng mày chẳng biết gì về sự vất vả của tao. Nhưng mà nhiều khi không ai ép làm cũng tự nguyện làm. Làm rồi kể công để con phải ghi nhớ.
Nên nhiều khi bạn nhận tình thương của họ, bạn phải mang cảm giác mắc nợ nhiều hơn là hạnh phúc.
Những mâu thuẫn tâm lý của bà, tôi đều hiểu hết. Tôi có nói bao nhiêu lần bà cũng không nạp vào đầu được. Bà không bao giờ chấp nhận bản thân. Không biết lắng nghe người khác nhưng lúc nào cũng la làng người khác không biết lắng nghe mình.
Tôi hiểu đó là biểu hiện của chứng ái kỉ. Sâu thẳm là sự thiếu hụt cảm xúc.
Họ có những điểm tốt của họ. Nhưng đôi khi cái sự tốt ấy không đem lại cho họ hạnh phúc. Vì làm việc tốt mà kể công thì trong lòng có rất nhiều mong cầu. Càng mong cầu càng đau đớn vì bất toại.
Má tôi đến bây giờ vẫn trách tôi rất nhiều vì bất hiếu. Nhưng nếu bà chịu lắng nghe những kinh nghiệm sống của tôi, có lẽ bà đã thấu hiểu bản thân và người khác hơn để không tự làm khổ mình đến vậy.
Còn tôi phải học cách chấp nhận họ là như vậy. Để bản thân mình không phải mang cảm giác tồi tệ vì chưa đủ tốt với họ.
Có nhiều thứ không phải lỗi của mình. Mình phải hiểu đối phương quy tội cho bạn cũng chỉ vì họ muốn bạn phải lệ thuộc họ ở phương diện tình cảm hoặc vật chất, phải mang cảm giác mắc nợ mà đền đáp họ tương xứng.
Nếu tôi mà nói về “tình yêu vô điều kiện” với má tôi thì có lẽ quá cao siêu để bà hiểu. Tôi chỉ có thể chấp nhận bà thương con theo cách riêng của bà. Nó không thật sự phù hợp với mình nhưng làm sao ta có thể thay đổi họ.
Chỉ có thể kệ họ và nương theo mà sống, tùy tình huống mà xử lý.
Họ cũng đau khổ chứ có sung sướng gì đâu.
Nên, tôi thương bà theo cách của tôi. Không nên quá gần để cả hai được bình yên.
Tôn trọng thay vì bực tức.
Mình mà oán giận họ cũng là vì mình vô minh như họ. Mình đã không đủ sự cảm thông dành cho nhau.
Sona Va