
Việc nhà không chỉ của đàn bà
Chúng ta cần bình thường hóa việc nam giới chia sẻ việc nhà. Để nếu muốn, các bà mẹ có thể bứt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn, hết chọn nồi chiên không dầu nào tốt rồi lại đến chọn trại hè nào cho con…
Dẫu đã qua giãn cách xã hội, chuyện làm sao làm việc ở nhà khi mà con cái cũng không đến trường vẫn có vẻ chưa hết thời sự. Ai biết có lúc nào chuyện đó lại có thể xảy ra.
Ở CARE, mỗi chiều thứ sáu trong mấy tuần cách ly CARE đều tổ chức “virtual happy hours” (liên hoan qua mạng). Trong đó, có một buổi bàn về việc này: Bí quyết để làm việc/họp hành khi con ở nhà. Nhờ những cuộc như thế, mới nhận ra thực sự vai trò của người phụ nữ trong gia đình thật qúa nặng nề
Việc nhà lâu nay được xem là việc của đàn bà. Covid và giãn cách xã hội làm cho gánh nặng này thêm chồng chất. Người mẹ vừa làm việc vừa phải ốp đứa lớn học bài, nấu ăn cho đứa nhỏ, kiểm soát xem chúng nó đã xem ipad hay TV bao nhiêu lâu rồi, chiều nay đã có thức ăn chưa, bố mẹ chồng tuổi cao mà giúp việc nghỉ đã có đủ thức ăn chưa, dọn dẹp nhà cửa chưa, v.v
Những công việc này ở giai đoạn ‘bình thường’ thì được “thuê ngoài” một phần nơi nhà trường, người giúp việc, người trông trẻ, các bà, các dì, các chị,… thì lúc “bình thường mới” bị dồn hết lên vai những người mẹ. Mẹ đơn thân thì càng vất vả hơn.

Dồn hết cho các mẹ là một chuyện, chuyện khác nữa là xã hội hay nghĩ việc nhà chỉ là việc tay chân. Nào phải vậy. Đó là công việc đòi hỏi đầu tư trí óc thực sự. Việc nhà đâu chỉ đơn giản là đi chợ hay gọi đồ ăn qua mạng hay cho quần áo vào máy giặt hay bật máy hút bụi; nó là sự tính toán, chuẩn bị, lên kế hoạch cho mọi việc: việc gì trước, việc gì sau, việc gì cần phải liên hệ với ai cho ổn thỏa; lên thực đơn thế nào cho gia đình để vừa ngon miệng lại vừa đầy đủ chất… Ngày nào cũng phải suy tính như vậy, bên cạnh việc văn phòng. Tất cả những thứ đó tạo nên gánh nặng tinh thần người phụ nữ phải gánh chịu.
Nói về sự tham gia của người chồng, các chương trình TV lúc nào cũng lãng mạn hóa việc các ông bố đã có thể dành thời gian chơi với con như là vẻ đẹp của giãn cách xã hội. Trong khi câu chuyện của các bà mẹ thì rất khác.
Trong nghiên cứu gần đây CARE thực hiện để tìm hiểu về rào cản đối với sự nghiệp của nữ giới trong nhiều ngành nghề, chúng tôi nhận được những chia sẻ như thế này:
“Việc code phải đòi hỏi tập trung nhất định, chạy sai mã nó đã không ra chương trình đó rồi. Giả dụ đang code giữa chừng lại nghe “mẹ ơi con muốn ăn cái này, cái này”, rồi bỏ dở đấy thì khó đấy ạ. Còn ông bố làm code thì có thể nói: “Em ơi, tối nay anh phải làm dự án này, anh cần không gian riêng”, thế là đóng cửa phòng kín bưng, khỏi cho ai vào, cứ thế ngồi code đến 2, 3 giờ sáng cũng được”.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên vì đây là chia sẻ của một nhân vật nam trong ngành IT, chứ không phải của nữ. Tức là nam giới đâu đó cũng nhìn thấy vấn đề, cũng hiểu được “đặc quyền” của mình.
Những sự phân biệt đối xử đã trở thành chuyện thường tình như thế cần phải chấm dứt. “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là một tiêu chuẩn khủng khiếp áp đặt lên phụ nữ Việt Nam. Nhưng bình đẳng giới không phải là kêu gọi nam giới cũng phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Không phải vậy. Kêu gọi bình đẳng giới là kêu gọi nhìn nhận đúng đắn gánh nặng của việc nhà, ko xem nó là việc vặt “tranh thủ vèo cái là xong”. Nhìn nhận đúng đắn hơn để cùng gánh, cùng sẻ chia, để một ngôi nhà không phải chỉ có một trụ cột thôi, mà thành “nhà nhiều cột”.
Chúng ta cần bình thường hóa việc nam giới chia sẻ việc nhà. Để nếu muốn, các bà mẹ có thể bứt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn chọn nồi chiên không dầu nào tốt rồi lại đến chọn trại hè nào cho con. Để bố có thể tự nhiên ở nhà nấu ăn cho con khi mẹ đi gội đầu mà không cứ phải mang danh điển hình tiên tiến.