
Phim “Vợ Ba”, khi cái đẹp có quá nhiều toan tính…
Gắn mác “phim nghệ thuật”, “Vợ Ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh được đánh giá là một trong những phim điện ảnh Việt đẹp mượt mà đến từng khuôn hình. Tuy nhiên, ngoài tính duy mỹ đậm chất trình diễn, thì ý tưởng và cả tư tưởng của bộ phim có vẻ như vẫn chưa thực sự thuyết phục.
Một tác phẩm nghệ thuật nhiều toan tính
Phim “Vợ ba” lấy bối cảnh tại một vùng quê ở Bắc Bộ cuối thế kỉ 19. Với câu chuyện xoay quanh những diễn biến của một gia đình giàu có gồm ba thế hệ, trong đó ông Hùng – người chủ gia đình có đến ba người vợ và năm người con. Phim tập trung khai thác những góc khuất trong cuộc sống, suy nghĩ, tâm lý của những bà vợ, đặc biệt là người vợ ba mới 13 tuổi – được coi là đại diện cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ.
Trước hết phải nói rằng, ý tưởng về một bộ phim mang đề tài “Phụ nữ trong xã hội phong kiến” là ý tưởng không mới, nếu không muốn nói là khá đơn điệu và an toàn. Khán giả yêu thích điện ảnh dù hời hợt cũng dễ dàng nhận ra, “Vợ ba” giống một sản phẩm được làm ra để đi tranh giải quốc tế nhiều hơn là hướng đến khán giả nội địa.
Có thể trong một khuôn khổ nào đó, với nghệ thuật, không có đề tài nào là cũ, miễn là tác giả biết cách khai thác để chạm tới cảm xúc khán giả, thậm chí làm mới được đề tài cũ lại là điều càng khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khán giả có quyền mong chờ một cách khai thác mới độc đáo, sâu sắc và nhân văn hơn từ ekip của Nguyễn Phương Anh, những nhà làm phim hầu hết là nữ và mang tư duy nghệ thuật văn minh, hiện đại.
Nhưng, mặc cho những mong chờ háo hức, thì bộ phim dường như vẫn chỉ như một cuốn hồi kí được ghi chép từ những mảnh nhỏ của cuộc sống thời bấy giờ, gần như rất ít sự sáng tạo trong cách xây dựng nội dung và nhân vật. Ở nhiều trường đoạn, khán giả liên tục cảm thấy “Vợ ba” “giống giống” một phim nào đó trước đây, dấu ấn riêng của Nguyễn Phương Anh để lại trong phim quá mờ nhạt.
Mặc dù đưa ra nhiều tuyến nhân vật với những nỗi niềm và hoàn cảnh phức tạp khác nhau, nhưng phim lại không khai thác được triệt để và tìm ra hướng giải quyết. Tất cả các phận đời trong phim đều được nhắc đến gần như mang tính liệt kê, đưa đẩy để gom vào phim thật nhiều những câu chuyện “ăn khách”. Ngay cả nhân vật chính mợ ba cũng được xây dựng rất nhạt nhòa, chỉ như một “khách vãng lai” đi qua, chứng kiến và kể lại câu chuyện, cho đến tận cuối phim, người xem thậm chí cũng không thể hiểu cô là người như thế nào, tính cách ra sao, thậm chí nhiều người còn “ngơ ngác” không hiểu nổi vì sao cô phải chọn “con đường cùng” là cái chết cho chính đứa con mình?
Bỏ qua những yếu tố chưa thực sự logic về mặt tâm lý với những “khó hiểu” trong ứng xử, phim bước đầu thành công về mặt hình ảnh với những cảnh quay tuyệt đẹp, con người, non nước đều hiện lên như một bức tranh lụa là êm mượt. Cảnh sắc thiên nhiên mang đậm “tính nữ” như muốn truyền tải thông điệp về “tiếng nói của người phụ nữ” trong xã hội xưa.
Bên cạnh đó, trải dài trong suốt bộ phim, nhà sản xuất dường như cố tình “cài cắm dày đặc” các chi tiết về văn hóa, phong tục cổ truyền Việt Nam, với liên tiếp các hình ảnh mang tính biểu tượng từ gần gũi thường ngày như áo yếm, hát ả đào, cây nêu bánh pháo ngày tết… đến những hình ảnh sâu xa ẩn dụ hơn như con tằm nhả tơ, quả trứng trên bụng cô dâu mới,…
Dù vậy, tất cả các hình ảnh đều chỉ như được góp nhặt lại và cố ý xếp đặt cạnh nhau với ý đồ khá rõ, cảm giác như xuất phát từ rất ít sự rung động thực sự, cũng không khơi gợi lên được sự thương cảm nào cho khán giả, mà là những hình ảnh đẹp mượt mà mang tính trình diễn với những dụng ý rất kĩ lưỡng và khôn khéo. “Vợ ba” chấp chới giữa một phim “giả tài liệu” với một cuốn hồi kí bằng hình ảnh không đầu không cuối của tác giả.
Tất nhiên mọi sự chỉn chu, tính toán kĩ lưỡng đều đáng khen ngợi, nhưng sự tính toán vượt lên trên cả yếu tố cảm xúc và sự “chân thật” của cuộc sống, thì dường như “Vợ ba” đang trở nên xa lạ và thiếu cảm xúc với nhiều khán giả trên chính đất nước mình.
Cái “đèm đẹp” đánh chết cái “đẹp”
Câu chuyện phụ nữ với những ẩn ức tình dục và cuộc sống tù hãm tư tưởng luôn là đề tài dễ để làm cho hay, cho đẹp. Và cũng chính từ “cái bẫy ngọt ngào” đó, các tác giả cứ cố phải khai thác cạn kiệt và đào sâu thêm nỗi đau của những con người thời ấy.
Xuyên suốt cả bộ phim, từ góc nhìn của mợ ba Mây, tác giả Nguyễn Phương Anh dường như luôn cố gắng để khán giả phải nhìn thấy thật nhiều, càng nhiều càng tốt những nỗi khổ đau, bế tắc của những người phụ nữ, rồi kết thúc bằng những cái chết thương tâm. Rồi từ đó cô gắn cho bộ phim một lời kêu gọi về “nữ quyền” và “bình đẳng giới”. Thử hỏi, sau hơn một thế kỉ, người ta có thể thay đổi gì từ một bộ phim “đèm đẹp” về cảm giác và những nỗi buồn lơ thơ “Tây hóa”.
Nếu xét trong khuôn khổ bộ phim, các nhân vật nữ, ngoại trừ cô con dâu mới cưới bị khước từ dẫn đến phải treo cổ tự vẫn, thì các nhân vật nữ khác đều không quá “bi kịch” như cái cách mà nhà làm phim đang cố lồng ghép vào bộ phim, để có cho được một thông điệp nghe có vẻ “đao to búa lớn”. Và cả những người nam giới trong phim, như người bố chồng, như ông Hùng, cậu cả con mợ Hà… liệu họ có thực sự hạnh phúc? Sự bình đẳng, trước hết phải xuất phát từ sự nhìn nhận và đối xử công bằng, bởi khi ta cứ cố gắng phải đi đòi hỏi sự công bằng, là chính chúng ta đang hạ thấp mình.
Hơn 1000 năm đã trôi qua, có lẽ cũng đến lúc chúng ta cần cho bạn bè thế giới biết đến chúng ta không chỉ có những người phụ nữ cam chịu như những con tằm trong nong kén, đầu hàng số phận bằng cách treo cổ hay ăn lá ngón, chúng ta cũng có những người phụ nữ hạnh phúc, vui tươi mà không cần phải suốt ngày kêu gọi “nữ quyền”.
Và nghệ thuật, trước hết phải xuất phát từ sự rung động và cảm xúc thật tâm, không phải một sự tô vẽ cầu kì và phô diễn. Đừng để những cái “đèm đẹp” giết chết cái “đẹp” thực sự.
Lan Anh