
Vỉa hè
Mỗi gánh hàng rong, mỗi quán xá vỉa hè là biết bao số phận, biết bao cảnh đời… mà người kiếm sống nhờ vỉa hè phần lớn lại là phụ nữ. Đói nghèo của một gia đình, một quốc gia thường hiển hiện trên gương mặt những người đàn bà.
Khoảng hơn một tháng nay hai chữ “vỉa hè” tràn ngập trên mặt báo in, báo điện tử, mạng xã hội… Cái vỉa hè bình thường và quen thuộc hằng ngày bỗng chốc hiện lên với bao nhiêu tội vạ: lấn chiếm, bán hàng rong, xả rác, để xe máy, bày hàng hóa, mất trật tự, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ…
Nhưng những chuyện như thế đâu phải mới có gần đây mà có từ lâu rồi. ít ra là từ khi đô thị xuất hiện những phố chuyên bán buôn một vài loại hàng hóa nào đó, như ở Hà Nội là khu phố cổ với những Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai… Còn ở Sài Gòn là những con đường chuyên bán vật liệu xây dựng (Tô Hiến Thành), đồ cổ (Lê Công Kiều), thuốc bắc (Hải Thượng Lãn Ông), giày dép (Nguyễn Đình Chiểu), áo cưới (Hồ Văn Huê), quần áo (Nguyễn Trãi), sách cũ (Trần Huy Liệu)… Các phố như vậy gọi là “phố chuyên doanh”, được nhiều người biết đến vì có tuổi đời và hàng hóa phong phú, chất lượng. Ở đây mật độ tập trung các cửa hàng, việc bày biện hàng hóa của những cửa hàng liền kề nhau tạo nên sức hấp dẫn lôi cuốn sự chú ý của người muốn tìm mua một loại hàng hóa nào đó.
Phố chuyên doanh (sự kết hợp của phố và chợ) là một phần quan trọng của sinh hoạt đô thị. Mối liên kết giữa đường – phố – nhà/hàng quán chính là cái vỉa hè. Đó là nơi cửa hàng có thể đặt tủ, kệ nhô ra phía trước cửa chủ yếu để tạo sự chú ý cho người qua đường. Khi khách dừng chân mua hàng thì vỉa hè nơi để xe đạp xe máy (xưa khách đi xe kéo hay ô tô thì đỗ ngay dưới lòng đường). Nếu bán hàng hóa cồng kềnh hay vật liệu xây dựng thì vỉa hè được tận dụng khá nhiều. Nhà hàng quán xá ăn uống thì cần chỗ để xe của khách hoặc thậm chí bày vài bộ bàn ghế ra vỉa hè. Do đó ở những phố chuyên doanh, vỉa hè gắn liền và là không gian giao tiếp linh hoạt nhất của hoạt động kinh tế này.
Nhà mặt phố có hàng quán thường của chính chủ nhân, hoặc cho thuê mặt tiền thì chủ nhân vẫn sinh sống ở đó. Vỉa hè gắn bó với họ quen thuộc như thể nó là một phần của ngôi nhà. Sáng, tối vài nhát chổi quét cho sạch, mặc cho khách đi qua cứ tiện tay xả rác. Hà Nội luôn có những gánh hàng rong mùa nào thức ấy, xưa thường chỉ là quà bánh và hoa quả. Mùa cốm, mùa hồng vào phố từ những gánh hàng rong, ngày Rằm, mùng Một gánh hàng hoa vấn vít hương hồng, hương lan… Mỗi sáng sớm, mỗi đêm khuya mùi thơm xôi khúc theo hàng rong len lỏi vào từng ngôi nhà, rồi bánh cuốn Thanh Trì, bánh giày, bánh giò, cơm nắm, bánh chưng… Bây giờ ít thấy gánh gồng mà nhiều người đi bán hàng bằng xe đạp. Tất cả vào phố cổ qua phố Tây cùng tiếng rao quen thuộc và những dáng người khuôn mặt vẫn khắc khổ như thủa nào…
Từ khoảng năm 1980 ở nhiều đô thị lớn xuất hiện chợ tự phát từ vỉa hè tràn xuống lòng đường. Chợ thường họp vào giờ cao điểm sáng hay chiều, phục vụ cho người đi làm dừng xe mua mớ rau, con cá, miếng thịt… Người bán từ ngoại ô hay vùng ven, mang theo những gì “của nhà trồng được”. Người mua là công nhân viên chức Nhà nước đồng lương có hạn, đi “chợ tạm”, “chợ đuổi” rẻ hơn được một chút. Có chợ tồn tại lâu, nhưng cũng có khi đời sống dân phố quanh đấy khá lên thì chợ tự nhiên biến mất. Rồi vỉa hè có thêm hàng nước chè, gánh xôi sáng hay gánh bún đậu buổi trưa, gánh bún miến ngan chiều tối… của bác về hưu, cô giáo hay cô công nhân giảm biên chế… cũng là người trong ngõ phố quanh đấy cả thôi, nhường nhịn nhau kiếm sống.
Vỉa hè Sài Gòn cũng là không gian đậm đặc văn hóa của thành phố lớn nhất nước này. Ở khu trung tâm, những nhà hàng, quán cà-phê sang trọng không thể thiếu bảng hiệu hay vài bộ bàn ghế đặt trên vỉa hè, dưới mái hiên hay những chiếc dù. Phong cách sinh hoạt cởi mở, hướng ngoại như vậy hình thành từ nửa sau thế kỷ 19 và đến nay đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đô thị Sài Gòn.
Cà-phê vỉa hè có mặt khắp nơi. Một chiếc xe đẩy nép sát hàng rào hay tường nhà, vài chiếc bàn ghế nhựa… Gần đó có thêm xe bánh mì hay hủ tíu, bánh canh… vậy là trở thành nơi dừng chân ăn sáng cà phê của bao nhiêu người qua lại. Sạp bán báo, hộp đồ nghề của anh thợ sửa giày dép, túi xách hay sửa xe máy, đánh chìa khóa… Nhu cầu đa dạng của đời sống dân thị được phản ánh qua những vỉa hè.
Trên những vỉa hè khác là quán ăn, quán nhậu bình dân đông khách vào chiều tối. Mà đâu chỉ có quán xá được lợi nhờ vỉa hè, “đội quân” đánh giày, bán trứng cút, xoài, ổi, đậu phộng, dàn loa với các ca sĩ nghiệp dư… cũng nhờ vào khách ăn uống ở vỉa hè mỗi đêm. Họ là những nông dân mà ruộng đất đã trở thành khu công nghiệp, là người mẹ miền quê lên thành phố tần tảo nuôi con ăn học, là sinh viên làm thêm… Người bán hàng, chạy bàn, người giữ xe, chia sẻ với nhau từng cơ hội kiếm tiền nho nhỏ.
Lập lại trật tự vỉa hè là việc làm đúng và rất cần thiết. Nhưng làm sao cho các hoạt động trên vỉa hè có trật tự, đảm bảo an toàn cho người đi bộ và mỹ quan đô thị chứ không phải là xóa bỏ toàn bộ những hoạt động này. Trong không gian giới hạn của đô thị, càng hạn hẹp hơn trên một đường phố, khoảng không gian công cộng trở thành mục tiêu sử dụng của nhiều nhóm dân cư và việc sử dụng này cũng nhằm phục vụ cho những nhóm dân cư khác. Chia sẻ không gian công cộng đa chức năng như vỉa hè là một bài toán không khó giải, nếu nhà quản lý thật sự lưu tâm đến quyền lợi chung của đô thị và quyền lợi riêng của từng cộng đồng. Bởi vì đô thị là của tất cả những người đang góp phần làm nên sức sống của nó, trong đó có những người nhập cư lấy vỉa hè làm nơi kiếm sống.
Có lẽ không một Nhà nước nào có thể đảm bảo việc làm cho tất cả mọi người dân, vì vậy phải tạo điều kiện và có những chế tài phù hợp cho người dân kiếm sống trong hoàn cảnh cho phép. Vỉa hè là một trong những điều kiện ấy.
Sài Gòn 17.3.2017
Nguyễn Thị Hậu